Công nghệ sinh thái sản xuất rau màu
21/03/2016

Tiên phong ứng dụng cộng nghệ sinh thái (CNST) SX rau màu mang lại hiệu quả cao nhờ hạn chế sâu bệnh, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là gia đình anh Trần Văn Thống ở ấp Phú Hòa, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (An Giang). 

Đây là mô hình đầu tiên của huyện Phú Tân áp dụng CNST trên diện tích trồng rau màu. Trong quá trình SX anh Thống được Trạm BVTV huyện tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ các loại giống hoa sao nhái, cúc mặt trời, đậu bắp, hướng dương… để trồng dẫn dụ thiên địch có lợi nhằm giảm thiểu sâu bệnh, phục hồi môi trường sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường... Ban đầu gia đình anh Thống thấy hoa sao nhái mọc gần bờ ruộng trồng rau màu. Trong quá trình trồng thấy những liếp rau gần đó ít bị sâu tất công, cũng như rầy cánh mềm gây hại trên cây ớt. Sau đó anh đăng ký thử nghiệm mô hình trên diện tích hơn 9.000m2, với các loại rau màu như ớt, ngò rí, hành lá, cải bẹ xanh, cải ngọt... Mô hình mang lại hiệu quả cao, giảm từ 30 - 40% chi phí sử dụng thuốc BVTV. Anh Thống cho biết: Các loại hoa sao nhái, hướng dương rất dễ trồng, không tốn nhiều chi phí và mang lại hiệu quả rất cao từ việc giảm hẳn sâu hại trên ớt, cải, hành lá... Sau khi tiến hành làm đất, anh trồng các loại hoa dọc theo bờ ruộng. Khoảng 10 ngày tiến hành xuống giống các loại rau màu và 30 - 40 ngày thì hoa sao nhái sẽ ra hoa thu hút các loại thiên địch diệt rầy mềm. Giờ gia đình anh sẽ tiếp tục trồng hoa sao nhái để lúc nào trên ruộng cũng có hoa và nhân rộng thêm các diện tích trồng màu còn lại. Mô hình còn giúp cho gia đình anh Thống giảm chi phí trong SX, tiết kiệm được nhân công để phun xịt thuốc từ đó lợi nhuận sẽ tăng lên từ 30 - 40%/vụ so với canh tác trước đây. Cụ thể, việc áp dụng mô hình trồng hoa sinh thái trên ruộng màu theo CNST giúp tiết kiệm từ 500.000 - 1 triệu đồng/ha tiền thuốc BVTV và tiền công phun thuốc. Đồng thời, năng suất, chất lượng rau màu nâng cao, nhất là giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo đảm sức khỏe cho cả người SX, người tiêu dùng. Chị Lê Thị Mỹ Thắm, vợ anh Thống chia sẻ thêm: “Từ khi áp dụng trồng hoa sinh thái trên rau màu thì gia đình tui tiết kiệm được rất nhiều chi phí SX, số lần phun thuốc trên ớt, hành lá, cải... giảm đi từ 2 - 3 lần/đợt. Bình thường 4 - 5 ngày phải phun thuốc/lần thì hiện nay từ 10 - 15 ngày mới phun thuốc. Đặc biệt, không xuất hiện rầy cánh mềm tấn công trên ớt, những vụ trước rầy làm ảnh hưởng lên đến năng suất và phẩm chất ớt”.

Điểm nổi bật trên mô hình hoa sinh thái trên ràu màu là giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; không ô nhiễm môi trường; cảnh quan đồng ruộng đẹp, cân bằng hệ sinh thái. Bên cạnh đó, mô hình rất đơn giản, hiệu quả và có thể nhân rộng dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, cán bộ Trạm BVTV huyện Phú Tân cho biết, trồng hoa sinh thái trên ruộng rau màu sâu bệnh sẽ ít tấn công hơn do hoa thu hút thiên địch gần đó. Hạn chế được số lần phun thuốc BVTV, giúp hạn chế tiếp xúc với thuốc hóa học, bảo vệ môi trường. Sắp tới, trạm sẽ tiến hành tổ chức hội thảo, báo cáo Chi cục BVTV tỉnh để được nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, mô hình CNST trên rau màu tuy còn mới với nông dân, nhưng tỉnh đã triển khai trồng thí điểm 3 mô hình/3 huyện khoảng 15ha kết quả bước đầu đã mang lại thành nông cho nông dân là tiết giảm từ 2 -3  lần phun thuốc BVTV/vụ. Đặc biệt giúp nông dân nhận thức được trồng hoa dẫn dụ thiên địch có lợi để tấn công thiên địch có hại từ đó tạo lòng tin cho người SX gắn bó với CNST và phát triển trong các năm tới ở các vùng chuyên canh rau màu có diện tích lớn như Chợ Mới, An Phú, Châu Phú... “Việc áp dụng mô hình sinh thái trên rau góp phần bảo vệ môi trường và từng bước tạo ý thức cho người nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV, SX nông sản sạch bảo vệ sức khỏe người SX và người tiêu dùng từ đồng ruộng đến bàn ăn” ông An nói.


Số lượt đọc: 1183 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác