Trồng bưởi Diễn sai quả
15/03/2019

Để trồng bưởi Diễn có lợi nhuận cao, cần đảm bảo 4 yêu cầu cơ bản: Chọn cây giống tốt. Trồng trên chân đất thịt. Cắt tỉa thường xuyên. Thu hoạch quả đúng lúc và bảo quản đúng cách.

Ngoài ra, cần kết hợp đồng bộ với một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc khác. Chọn cây giống tốt: Với cây bưởi nên trồng bằng giống chiết cành, vì sau trồng 2 - 3 năm quả đã thuần giống (hương thơm, vị ngọt). Trồng giống cây ghép 7 - 8 năm sau quả mới thuần giống (quả ra các năm trước đó ăn có vị the, hăng, kém ngọt, giá trị kinh tế thấp). Mặt khác, cây bưởi rất kém chịu úng, trồng bằng giống cây ghép mắt, bộ rễ ăn sâu hơn, dễ gặp mực nước ngầm nông, làm thối rễ, chết cây. Cây giống chiết cành: Nên chiết từ các cành bánh tẻ, khỏe, sạch bệnh, có chất lượng quả ngon (không chiết giống từ các cành vượt, cành gầm). Thời vụ trồng: Tháng 2 - 4 hoặc tháng 8 - 10. Nên chọn các chân ruộng trũng, đào ao vượt đất làm vườn, kết hợp chăn nuôi thủy sản. Trồng trên chân đất thịt sẽ có nhiều vi lượng không thể thay thế, chất lượng quả luôn cao hơn vượt trội so với bưởi trồng trên các chân đất cát pha, thịt nhẹ. Mật độ trồng: 25 cây/sào (360m2); khoảng cách 3,5 x 4m/cây. Chăm sóc: - Vườn cây dưới 5 tuổi: Tùy tình hình sinh trưởng của cây, cần thúc phân cho cây sinh trưởng nhanh, phân cành nhiều, mang được nhiều quả, sớm đạt sản lượng cao. Sử dụng phân gà hoặc phân chim, NPK Đầu Trâu... rải đều lên mặt luống, vét đất rãnh lấp kín phân, kết hợp tạo rãnh thoát nước và đường công tác. - Vườn cây trên 5 tuổi: Chủ yếu bón phân gà hoặc phân chim hoai mục kết hợp tro bếp và vôi bột. Có điều kiện, nên dùng hạt đậu tương nghiền nhỏ ủ với super lân để bón. Trong năm bón phân cho bưởi vào 2 lần chính: Sau thu hoạch quả (tháng 11 - 12) và khi đường kính quả non 2,5 - 3cm (tháng 3 - 4). Lượng bón mỗi lần/1 gốc: Tro bếp 3 - 4kg, vôi bột 1kg (rắc mặt luống); Phân gà 10 - 15kg bón rãnh đào theo hình chiếu tán cây; hỗn hợp đậu tương ủ super lân bón 2kg/gốc. - Tỉa cành, tạo tán cho cây ngay sau trồng năm thứ nhất. Loại bỏ kịp thời các cành gầm, cành vượt, cành và lá cây bị sâu bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn, hạn chế sâu bệnh phát sinh, tăng cường khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. - Kỹ thuật tác động thúc cây ra nhiều quả: Trước thu quả 1 tháng dừng tưới nước vườn cây; khi kết thúc thu quả cần cắt tỉa sâu, kết hợp bón phân theo rãnh đào quanh tán cây (cách gốc 50 - 60cm), có tác dụng làm trẻ tuổi sinh lý của cây, kích thích cây ra nhiều hoa, nhiều quả (cắt tỉa triệt để loại bỏ các cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh kết hợp quét vôi gốc cây trừ sâu, bệnh lưu chuyển). Khi vườn bưởi ra nụ đồng loạt cần tưới dưỡng ẩm trở lại. - Phòng trừ sâu bệnh: Vườn bưởi được cắt tỉa, vệ sinh thường xuyên, cây sẽ sinh trưởng khỏe, giảm thiểu sâu bệnh đáng kể. Cần theo dõi phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính như sâu vẽ bùa, rầy, rệp, bệnh đốm mắt cua và sương mai hại quả. * Chú ý: Sau mỗi đợt mưa to cần tiêu rút nước tồn đọng trong vườn triệt để, sử dụng thuốc BVTV Ridomil hòa nước tưới gốc quanh vùng rễ cây, để phòng nấm bệnh hại rễ. Khi quả bưởi vào nước (từ tháng 6 - 10), định kỳ 20 ngày/lần phun phân bón lá siêu kali cho vườn quả, tăng độ ngọt (sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ BVTV địa phương). Thu hoạch: Bưởi Diễn thường cho thu quả từ trung tuần tháng 11 đến 15/12 dương lịch. Nếu thu hoạch quá muộn, cây phân hóa mầm hoa (khoảng cuối tháng 12 đầu tháng 1) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng quả, đồng thời còn gây giảm sản lượng quả năm sau. Khi thu hoạch cần đánh dấu phân loại quả ngay trên cây. Quả có mã vỏ vàng đẹp, to, tròn đều (trên 1kg/quả), không vết nám bệnh, nên lưu giữ lại trên cây, thu bán làm bưởi thờ vào dịp tết Nguyên đán sẽ được giá. Các quả mọc ở cành ngọn hoặc các quả lớn hơn bình thường, chất lượng thường kém hơn, nên thu hoạch riêng (bưởi loại II). Các quả mọc ở cành la và cành ngang tán (dưới 1kg/quả), chất lượng thường tốt nhất (bưởi loại I), thu hoạch bán riêng hoặc đưa vào bảo quản. Thu hoạch quả vào ngày nắng ráo, tránh các ngày có mưa, thời tiết âm u. Trong ngày, nên hái quả từ 8 - 10 giờ sáng (không thu quả vào sáng sớm, hoặc chiều tối khi có sương, chất lượng quả sẽ tốt hơn). Ngắt quả nhẹ nhàng, tránh làm trầy xước, bầm giập vỏ quả, vỡ tế bào tinh dầu, quả sẽ thối sau 5 - 7 bảo quản. Nếu vận chuyển đi xa, cần phơi bưởi dưới nắng nhẹ 6 - 8 giờ cho mềm vỏ quả, tránh trầy xước, giập vỏ. Bảo quản bưởi trong điều kiện tự nhiên: Cần lau khô vỏ quả (tuyệt đối không lau, rửa quả bằng nước); gác quả trên giàn tre, gỗ, nơi thông thoáng (không ẩm mốc, không ánh sáng trực xạ). Như vậy có thể bảo quản bưởi được 4 - 5 tháng, vỏ quả héo, nhăn rúm, nhưng múi quả vẫn ráo, tép mọng nước, ăn ngon hơn rất nhiều so với khi mới thu hoạch. Bằng cách làm này, gia đình anh Trịnh Ngọc Thanh ở thôn Tân Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) chỉ với 400 gốc bưởi, từ khi vườn quả bước vào kỳ khai thác kinh doanh, mỗi năm thu hoạch hơn 15.000 trái bưởi, doanh thu trên 400 triệu đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư còn lãi 300 triệu đồng.


Số lượt đọc: 1300 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác