Sản xuất lúa sạch
06/04/2016

Từ vụ ĐX 2011 - 2012 đến nay đã có khoảng 100ha lúa GlobalGAP... Nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, làm quen với nhật ký SX và tiến bộ kỹ thuật mới.

Tỉnh An Giang đang đẩy mạnh canh tác tác lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP (SX nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Từ vụ ĐX 2011 - 2012 đến nay đã có khoảng 100ha lúa GlobalGAP... Nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, làm quen với nhật ký SX và tiến bộ kỹ thuật mới. SX lúa sạch theo công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút các thiên địch trong tự nhiên đến ruộng lúa. Trên những cánh đồng lúa GlobalGAP, thuốc BVTV hóa học được kiểm soát, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học. Đây là bước đột phá, thay đổi thói quen canh tác và SX chạy theo sản lượng để chuyển hướng chuyên canh theo chiều sâu, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo sạch của người tiêu dùng. Anh Trần Phước Nhàn, ấp Ninh Thạnh, xã An Tức, huyện Tri Tôn cho biết: "Trước đây chi phí SX lúa luôn ở mức cao, giá bán thấp và bấp bênh, lợi nhuận rất thấp. Khi được giới thiệu liên kết SX lúa GlobalGAP với Cty TNHH Thương mại Tân Thành (TP Cần Thơ) tôi còn rất ngại. Ngại bởi không đạt được yêu cầu từ các mục tiêu trong mô hình. Nhờ sự hướng dẫn chặt chẽ của các kỹ sư trong Cty, tôi đã nắm bắt được quy trình SX lúa sạch. Ngoài ra tôi còn được hướng dẫn cách quản lý dịch hại nhằm giảm chi phí SX. Nhờ ghi chép sổ nhật kí SX nên tôi biết được chi phí làm theo mô hình giảm từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha, năng suất cao hơn từ 200 - 300 kg/ha, giá lúa ổn định, lợi nhuận cao hơn trước". Còn ông Võ Thành Nhơn, nông dân ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ đăng ký tham gia gần 6 công SX lúa GlobalGAP. Về sau càng làm càng thấy thích vì kết quả năng suất khá cao, giảm được chi phí, giá bán cao hơn SX lúa thông thường. Từ khi tham gia dự án vào vụ ĐX 2011 - 2012 ngôi nhà của tôi biến thành một nông trại nhỏ và được sắp xếp ngăn nắp. Hầu như mọi nơi đều được dán giấy hoặc gắn biển chỉ dẫn theo sơ đồ của nông trại, như khu đựng thuốc BVTV, khu lò sấy, khu chứa lúa (phân loại lúa thường và lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP), nhà vệ sinh…” Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang nhận định: "Để đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, quá trình SX lúa phải đảm bảo “sạch” hoàn toàn. Cụ thể, trước và sau khi sạ lúa, phải ngăn không cho bất cứ loại chuột, chim, cò hay động vật nào vào ruộng. Người nông dân phải cập nhật vào sổ sách tất cả các chi tiết liên quan đến SX như: Tình hình dịch bệnh; thời gian phun thuốc, bón phân cho lúa và liều lượng, nhãn hiệu những loại phân bón, thuốc BVTV đã sử dụng; thời gian bơm nước, chất lượng nguồn nước, áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”… Khi thu hoạch lúa bắt buộc phải dùng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa bằng máy kéo". Theo ông An, dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020 An Giang sẽ phát triển 600ha lúa GlobalGAP ở các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú. Tiếp tục xây dựng thương hiệu lúa thơm, nếp đặc sản. Tại cánh đồng lớn, nông dân chỉ nên trồng từ 1 - 2 loại giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tùy theo nhu cầu doanh nghiệp. Trong thời gian tới sẽ nâng diện tích cánh đồng lớn lên 71.793ha.


Số lượt đọc: 831 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác