Bệnh vàng lá, thối rễ cây có múi
19/08/2016

Theo dự báo của các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh vàng lá, nứt - thối rễ sẽ trở thành loại bệnh phổ biến và nguy hiểm thời gian tới.

Những năm gần đây, diện tích nhóm cây có múi ở ĐBSCL tăng đáng kể do nhà vườn thâm canh thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sự gia tăng về diện tích và mức độ thâm canh khiến nhà vườn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một trong những thách thức hàng đầu là diễn biến phức tạp của tình hình dịch hại. Nhà vườn phải chung sống với những dịch hại nguy hiểm như bệnh vàng lá gân xanh, bệnh vàng lá thối rễ, sâu đục trái... Nay lại xuất hiện một đối tượng gây hại mới là nhện hại rễ. Nhện hại rễ là tác nhân gây ra bệnh vàng lá, nứt - thối rễ trên cây có múi. Theo dự báo của các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh vàng lá, nứt - thối rễ sẽ trở thành loại bệnh phổ biến và nguy hiểm thời gian tới.

Theo Th.S Đặng Thùy Linh, Viện Cây ăn quả miền Nam, bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại Bến Tre vào năm 2012. Tuy nhiên, đến nay nhện gây ra bệnh vàng lá, nứt - thối rễ vẫn chưa được định danh và các nghiên cứu về loài nhện hại mới này chưa nhiều.

 

Hiện bệnh xuất hiện nhiều ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… trên các loại cây chanh, cam, bưởi. Theo nhận định của các nhà khoa học, sự lây lan trên diện rộng của bệnh vàng lá, nứt - thối rễ trong thời gian qua chủ yếu qua cây giống, do nhà vườn vô tình mua và trồng cây giống bị nhiễm nhện.

 

Bệnh vàng lá, nứt - thối rễ được nhận diện qua triệu chứng lá thuần thục và lá già chuyển màu hơi vàng và rụng đi. Điểm đặc biệt là phiến lá bị rụng nhưng cuống lá vẫn còn trên cây, cuống lá sẽ vàng và rụng sau đó ít ngày (tương tự như triệu chứng rụng lá của nhánh chiết mới trồng bị chết).

Trên nhánh của cây bệnh chỉ còn vài lá non, sau đó nhánh bị khô và chết đi, làm sinh trưởng của cây bị ảnh hưởng.

Cây bị bệnh nặng, nhiều nhánh bị rụng lá, cây chỉ còn những nhánh trơ trụi, nếu không chữa trị kịp thời cây sẽ bị chết.

Khi phát hiện cây vàng và rụng đi như mô tả ở trên, đào và quan sát các rễ ở tầng canh tác (từ mặt đất đến độ sâu khoảng 20cm) sẽ thấy rễ bị tổn thương với các vết nứt xuôi theo chiều dài rễ (vết nứt dọc).

Các vết nứt dọc này chính là “hang ổ” của nhện hại rễ; quan sát với kính lúp có độ phóng đại lớn có thể thấy đầy đủ cả nhện trưởng thành, trứng và nhện ấu trùng trong các vết nứt này.

Nhện hại rễ có thể tấn công cây có múi ở tất cả các thời kỳ phát triển của cây, từ cây con, cây ở giai đoạn chưa cho trái đến giai đoạn cây cho trái ổn định. Nhện tấn công phần biểu bì của rễ, làm rễ bị nứt và hư hại khiến việc hấp thu nước và dinh dưỡng bị ảnh hưởng. Các vết nứt do nhện gây ra có thể bị thối do bội nhiễm các loại nấm hại có trong đất như Fusarium, Pythium, Phytophthora…Cây đang mang trái, cây sinh trưởng kém thường bị bệnh nặng hơn.

Để quản lý bệnh này, các nhà khoa học khuyến cáo, nhà vườn nên thiết kế vườn có liếp cao hợp lý và giữ mực thủy cấp trên 40cm để hạn chế sự lây lan nhện qua nước từ nơi này sang nơi khác; không sử dụng cây giống bị nhiễm bệnh để trồng; bón phân hữu cơ đầy đủ; phát hiện sớm và trị bằng biện pháp hóa học.

Khi áp dụng biện pháp hóa học để trị, có thể sử dụng thuốc Basudin 40EC, Dimethod 50EC pha với nước và bơm vào vùng rễ của cây bị nhiễm bệnh bằng ống phun chuyên dùng, bơm thuốc Basudin 40EC trước, sau đó 7 ngày tiếp tục xử lý rễ bằng Dimethod 50EC. Cần lưu ý, trong trường hợp trị bệnh cho cây đang mang trái thì cần hái bỏ bớt trái để cây không bị suy kiệt; có thể phun bổ sung phân bón qua lá để cây mau phục hồi.

 


Số lượt đọc: 1374 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác