Kỹ thuật thâm canh cam sành
19/08/2016

Theo các nhà khoa học, muốn cây cam đạt năng suất cao, cho lợi nhuận đòi hỏi canh tác phải đáp ứng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc, bám vườn, bám cây theo dõi hàng ngày...

ĐBSCL có hơn 86.000ha cây có múi, tập trung chủ yếu ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Hậu Giang. Tại Vĩnh Long có hơn 7.900ha cây có múi, trong đó 800ha cam sành trồng mới trên nền đất lúa. Để khai thác tối đa lợi nhuận từ vườn cam thì biện pháp kỹ thuật thâm canh có vai trò quan trọng. 

Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, cam là loại cây ăn trái lâu năm, có bộ rễ phát triển khá sâu và rộng, vì vậy khi thiết kế vườn, đào mương lên líp là khâu đầu tiên bà con phải làm đúng kỹ thuật mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên thời gian gần đây có một số nông dân không lên líp mà trồng cam luân canh đất lúa và xem đây là cây trồng khai thác nhanh, không lâu dài, nếu cho trái nhiều, bán có lời thì làm.

Theo ông Liêm, mặc dù bà con trồng cam trên đất lúa đã đào đất đắp mô chưa lấy tới lớp đất canh tác, nhưng các mô trồng cam vẫn thấp hơn so với cách đào mương lên bờ. Như vậy tốn thêm chi phí trang bị máy bơm, khi có mưa bơm nước rút ra. Vào mùa nắng thì nhẹ công tưới nhưng nhược điểm là cây không sống lâu, chỉ từ 4 - 5 năm do cây bệnh vì sử dụng nhiều phân, thuốc. Vì vậy việc lên líp lập vườn để trồng cam, kể cả điều kiện trồng cam trên đất lúa là rất cần thiết.

PGS.TS Trần Văn Hậu, giảng viên Khoa Nông nghiệp & sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) cho biết, mô hình luân canh giữa cam và lúa không thể bền vững, do rễ cây cam ăn rất sâu và rộng, mặt ruộng cũ rất thấp, đất cứng nên rễ không thể ăn sâu được. Nông dân muốn trồng 2 - 3 năm thì chuyển sang trồng lúa là không ổn. Để chuyển đổi cây lúa sang cây ăn trái có hiệu quả cao thì phải lên líp đắp mô, lấy đất mặt lên líp để trồng, đảm bảo tầng đất mặt phải đủ để cây cam phát triển thì mới ăn lâu dài được.

Theo các nhà khoa học, muốn cây cam đạt năng suất cao, cho lợi nhuận đòi hỏi canh tác phải đáp ứng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc, bám vườn, bám cây theo dõi hàng ngày, quản lý tốt các đối tượng dịch bệnh. Bên cạnh đó chọn lựa cây giống sạch bệnh và sử dụng phân thuốc hợp lý sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Số lượt đọc: 1300 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác