Kỹ thuật trồng cúc vàng
20/10/2016

Cây cúc vàng vụ đông có thêm 2 - 4 nhánh cành lộc, thân cây thẳng mập, bộ lá xanh đẹp, có hoa nở, hoa nụ, sẽ rất dễ bán và bán được giá cao…

1. Thời vụ trồng: 1 - 5/10. Cần theo dõi dự báo thời tiết, nếu vụ đông rét ít thì trồng muộn hơn so với thời vụ 3 - 5 ngày. Nếu vụ đông rét nhiều trồng sớm hơn 2 - 3 ngày.

2. Đất trồng: Cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, tưới tiêu thuận lợi.

3. Tiêu chuẩn cây giống: Cần mua cây giống từ các cơ sở nhân giống hoa cúc uy tín (Viện Nghiên cứu Rau quả) để có được cây giống trẻ về tuổi sinh lý và mập khỏe, sạch bệnh, tối thiểu có 4 - 6 rễ, cây cao 6 - 8cm.

4. Phân bón/1 sào Bắc bộ: 800 - 1.000kg phân chuồng hoai; 25 - 30kg lân supe; 4 - 5kg clorua kali; 20 - 25kg vôi bột; 2 - 3kg đạm urê và 6-7kg NPK Đầu trâu xanh 16-16-13.

5. Kỹ thuật trồng, chăm sóc

Ruộng cày phơi ải 7 - 10 ngày, làm nhỏ đất, lên luống rộng 1 - 1,2m, cao 20 - 25cm, rãnh luống 30cm. Rẽ đất mặt luống trồng cây, hàng cách hàng 14cm, cây cách cây 10cm, mật độ 1,5 - 1,7 vạn cây/sào. Trồng chìm toàn bộ phần rễ cây, nén nhẹ gốc cây, tưới nước ngày 2 lần (sáng, tối) tới khi cây bén rễ hồi xanh.

Phân bón lót: Vôi bột bón kết hợp cày lật đất. 50% phân chuồng + 50% phân lân trộn đều với đất mặt luống, san phẳng, tiến hành trồng cây.

Bón thúc lần 1: Khi cây bén rễ hồi xanh phun bón lá Siêu lân 2 lần cách nhau 7 ngày.

Bón thúc lần 2 (sau trồng 10 ngày): 100% lượng đạm urê + 100% lượng clorua kali pha loãng tưới.

Bón thúc lần 3 (sau trồng 25 ngày): 100% lượng NPK Đầu trâu, rắc mặt luống kết hợp tưới nước.

Bón thúc lần 4 (sau trồng 40 ngày): Hết số phân chuồng, phân lân còn lại.

Ngoài ra, từ sau trồng đến cây phân hóa mầm hoa, định kỳ 7 ngày/1 lần phun bón lá Atonik.

Suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của ruộng cúc không được xới xáo mặt luống.

Khi cây cao 25 - 30cm tiến hành làm giàn lưới dây nilon ô vuông (mỗi cây hoa trong 1 ô lưới), giữ cho cành hoa thẳng, tránh đổ ngã. Kéo căng các đầu dây lưới nilon buộc níu chặt vào hệ thống cọc tre cắm cố định trong đất ở đầu và mép luống hoa).

Thường xuyên ngắt bỏ các mầm nhánh phát sinh từ lách lá, chỉ để lại 3 - 4 mầm nhánh cho phát triển thành các cành nhánh phụ.

Các cành nhánh phụ cần được chọn từ những mầm nhánh liên tiếp mọc từ lách lá thứ 7 - 11 (tính từ lá cuối cùng ngọn cây). Các cành nhánh phụ này phát triển đến cuối vụ sẽ sinh thêm nhiều nụ hoa - dân dã gọi là cành lộc, có ý nghĩa về phong thủy, được người người tiêu dùng ưa chuộng.

Khi cây cúc chuyển sang phân hóa mầm hoa, chiều cao cây còn thấp dưới 55cm, cần bón bổ sung chế phẩm GA3 kích thích cây tăng trưởng (1 gram GA3 hòa tan trong 40 - 50 ml cồn 70 độ rồi pha loãng với 20 lít nước sạch phun/1 sào). Trước và sau phun GA3 khoảng 4 - 5 ngày, phải bón thêm cho mỗi sào cúc 2 - 3kg NPK Đầu trâu xanh để cây hoa tăng trưởng cân đối.

6. Điều chỉnh hoa nở đúng thời vụ

Nếu ruộng cúc sinh trưởng khỏe, mà chậm phân hóa mầm hoa, hoa nở muộn hơn so với thời vụ, cần dừng tưới nước, hãm ruộng khô. Trong khi hãm ruộng khô nếu thời tiết có mưa, bón kali hoặc xới xáo nhẹ làm đứt 12 - 15% bộ rễ cây, cây cúc sẽ chuyển sang phân hóa mầm hoa.

Nếu sau trồng 20 - 25 ngày đã thấy các ngọn cúc có dấu hiệu chùn lại, lá nhỏ và xếp mau hơn, nhiệt độ không khí xuống dưới 13 độ C, cần thắp bóng điện 75W từ 17 - 21 giờ tối 20 - 25 ngày liên tục (mỗi tối thắp 3 - 4 giờ). Bóng điện treo cao hơn ngọn cúc 0,8 - 1m. 5 - 6m2 thắp 1 bóng.

7. Phòng trừ sâu bệnh

Phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo khuyến cáo của cán bộ BVTV chuyên ngành. Chú ý 1 số đối tượng gây hại nguy hiểm như bệnh sương mai, sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ… Có thể phối hợp 1 số loại thuốc Ridomil 72MZ, Pegasus, Sumicidin, Carbamec… Phun định kỳ 15-20 ngày/ 1 lần từ sau trồng đến trước thu hoạch hoa 15 ngày.


Số lượt đọc: 1329 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác