Luân canh bắp trên đất lúa
20/10/2016

Công ty East west seed (Hai mũi tên đỏ, Hà Lan) đã cùng ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng sử dụng nhiều nước (lúa) sang cây trồng sử dụng ít nước hơn (bắp, rau màu).

Ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL ngày càng thấy rõ. Trong bối cảnh đó, Cty Hai mũi tên đỏ, một doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực hạt giống rau nhiệt đới đã mạnh dạn phối hợp cùng với ngành nông nghiệp Tiền Giang thực hiện mô hình luân canh cây bắp trên nền đất lúa kém hiệu quả.

Nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra hàng năm, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, trong đó có mô hình “Luân canh cây bắp trên nền đất lúa, gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng”, bước đầu ghi nhận mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Mô hình này được Phòng NN-PTNT huyện Gò Công, UBND các xã “tiên phong” ký kết với Cty Hai mũi tên đỏ và các đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm. Theo đó, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp cho nông dân giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và giới thiệu đơn vị thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm. Mô hình từng bước giúp nông dân tiếp cận với các giống bắp (ngô) lai mới và kỹ thuật thâm canh, chuyển đổi dần một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, nhờ sử dụng các giống bắp của Hai mũi tên đỏ nên đã tiết kiệm nguồn nước tưới, quản lý dịch hại tốt hơn, đặc biệt là giảm sử dụng thuốc BVTV trong canh tác. Từ kết quả của mô hình thí điểm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho gần 100 hộ nông dân huyện Gò Công đi tham quan, đánh giá thực tế để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Vụ hè thu 2016, nông dân xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công đã tham gia mô hình trồng cây bắp trên nền đất lúa với diện tích 10ha, sử dụng giống bắp ngọt lai F1 Golden cob; bắp nếp tím ngọt 099; bắp nếp tím dẻo 926, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với nông dân theo tiêu chuẩn bắp loại nhất, nhì, ba với giá thu 2.000 đồng/trái. Các loại khác sẽ thỏa thuận giá mua bằng hoặc cao hơn thị trường đảm bảo thu mua hết bắp cho nông dân.

Nhờ khả năng sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, năng suất cao, chất lượng ăn ngon nên giống bắp của Hai mũi tên đỏ được bà con nông dân thực sự hài lòng.

Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong mô hình đã thu hoạch dứt điểm, năng suất trung bình đạt đến 32.000 trái/ha, giá bán 2.000 - 2.200đ/trái (cao hơn cam kết ban đầu). Sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 40 triệu đồng/ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so trồng lúa nên nông dân rất phấn chấn.

Được biết, nhu cầu tiêu thụ bắp ngọt và bắp nếp dẻo trong nước đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Trên thị trường bắt đầu có tín hiệu đáng mừng do sự xuất hiện của nhiều giống bắp chất lượng cao, trong đó có giống bắp của Hai mũi tên đỏ với ưu thế nổi trội về dinh dưỡng, trái to, vỏ rất xanh, bảo quản được lâu và vận chuyển xa rất tốt.  

 

Mô hình “Luân canh cây bắp trên nền đất lúa, gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng” của tỉnh Tiền Giang (nói riêng) và khu vực ĐBSCL (nói chung) là thể hiện sự chủ động, sáng tạo rất lớn của ngành nông nghiệp, nông dân cùng với Hai mũi tên đỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tìm ra giải pháp hoàn hảo nhất để thích ứng và đối phó với kịch bản biến đổi khí hậu hiện nay (TS Đặng Văn Niên, Tập đoàn East west seed).

 


Số lượt đọc: 1796 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác