Bắp ngọt Golden Cob đồng hành cùng nông dân
10/11/2016

Nhiều nơi ở tỉnh Tiền Giang đã đưa giống bắp ngọt Golden Cob, bắp nếp (tím) Hai mũi tên đỏ trồng trên vùng đất màu cho thu nhập ổn định 70 -100 triệu đồng/ha/vụ trong 2 tháng rưỡi.

Những ngày này, dọc theo con đường đi vào vùng trồng bắp (ngô) ngọt của xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo mới thấy được bức tranh sống động, tràn đầy sức sống của một vùng quê đang mạnh dạn chuyển đổi lúa, cây màu (dưa hấu, mè, đậu..) sang cây bắp ngọt theo chế độ luân canh, xen canh. Nhiều vùng bắp ngọt san sát nhau, nhìn từ xa trông như các cánh đồng mẫu lớn với những trái bắp to, đều tăm tắp. Năm nay, xã Bình Phục Nhứt trồng 30ha bắp ngọt tập trung, sau 70 ngày sinh trưởng, cây bắp bước vào thời kỳ thu hoạch. Giống bắp ngọt Golden Cob (còn gọi bắp vàng) của Cty East-West Seed (Hai mũi tên đỏ) được nhập khẩu từ Thái Lan có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên tiết kiệm được phân bón, công chăm sóc. Bà Lê Thị Đồng, ấp 2 cho biết gia đình bà trồng lúa trên diện tích 5.000m2 (5 công), sau 3 tháng thu hoạch được gần 3 tấn lúa, bán giá 4.500 đồng/kg vị chi thu nhập 13,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 40% thì có lãi 8 triệu đồng/5 công, tức 16 triệu đồng/ha. Trong khi đó, trồng Golden Gob năng suất cao đạt 40.000 trái/ha. Giá bán trên thị trường 4.000 đồng/trái, vị chi thu nhập 160 triệu đồng/ha. Sau khi trừ hết chi phí 50% vẫn còn lãi 80 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa nên nông dân rất phấn khởi. “Ưu điểm giống này là ăn ngon, ngọt, sâu chân, hạt đẹp, thích hợp cho cả ăn tươi và chế biến nên được thương lái ưa chuộng. Vì vậy, cứ sau 1 vụ lúa, gia đình tôi chuyển hết sang trồng bắp ngọt Golden Cob”, bà Đồng nhấn mạnh. Theo bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phục Nhứt, hầu hết bà con nông dân địa phương đều trồng bắp ngọt luân canh trên đất lúa, đất màu. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây xảy ra trường hợp một số giống bắp ngọt bị bệnh sọc lá trên diện rộng khiến bà con nông dân thiệt hại khá lớn phải chặt bỏ, trong khi giá giống trên thị trường lại cao từ 600 - 700 ngàn đồng/kg. Vì vậy, Hội Nông dân khuyến cáo bà con nên mua những giống bắp ngọt của Cty có thương hiệu như East-West Seed, Syngenta. “Chúng tôi còn khuyến khích bà con có kế hoạch mở rộng diện tích trồng bắp ngọt trên các chân đất màu kém hiệu quả và đất lúa chuyển đổi nhằm tăng vụ, tăng năng suất và thu nhập cho bà con”, bà Gái nói. Theo ông Võ Hữu Công, phụ trách kinh doanh khu vực ĐBSCL của Cty East-West Seed, năm 2016, dự kiến Cty cung ứng cho hai huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông khoảng 40 tấn giống. Với mật độ trồng 8kg/ha, Cty đã cùng với địa phương tham gia tái cơ cấu 5.000 ha bắp ngọt Golden Cob, còn bắp tím cung ứng 5 - 6 tấn giống trồng được 1.000 - 1.200ha nữa. Đây thật sự là con số rất có ý nghĩa và ấn tượng. Ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo đánh giá, giống bắp ngọt Hai mũi tên đỏ tuy mới thâm nhập vào địa phương từ tháng 9 năm ngoái, nhưng đây là giống tốt, năng suất cao mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. “Chúng tôi đồng hành cùng nông dân vùng ĐBSCL tham gia chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó đã cung cấp các giống bắp như Golden Cob, Tím dẻo 926, Tím ngọt 099 và bắp trắng. Ưu điểm nổi trội của các giống này là chống chịu tốt một số loại bệnh hại, năng suất cao đạt 40 - 50 ngàn trái/ha, ăn ngon, ngọt, dẻo và cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân” (TS Đặng Văn Niên, Cty East-West Seed).


Số lượt đọc: 1705 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác