Kiến thức nông học nâng cao hiệu quả canh tác
28/11/2016

Trong những năm qua, khi Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nhiều bà con nông dân đã mạnh dạn áp dụng thành tựu khoa học mới vào canh tác và thu được kết quả tích cực.

"Phải thử mới biết!" Bà con bản Muống, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, hay gọi anh Đinh Văn Phúc với biệt danh ngộ nghĩnh: “ham vui”

Nói cũng phải vì nhìn chân chất, kiệm lời là thế nhưng cứ nghe công nghệ hay sản phẩm nào mới là anh lại xông xáo quyết phải thử cho bằng được. Như đợt năm 2015 khi ngô chuyển gen lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, anh Phúc là người đầu tiên mang loại giống mới này về ruộng nhà trồng thử. Trước đó, năm 2013, cũng chính anh là người tiên phong tham gia vào hàng ngũ nhà nông tham chiếu của Chương trình Phát triển Bền vững do Syngenta phát động từ nay đến năm 2020. Đây là chương trình trên phạm vi toàn cầu gồm đội ngũ các kỹ sư đồng hành cùng nông dân để cung cấp cho nông dân những kiến thức nông học và giải pháp tốt nhất nhằm nâng cao năng suất. Đến thăm anh Phúc khi anh đang ngồi tổng kết lại vụ bắp Hè – Thu vừa qua, anh khoe, vụ rồi 1kg giống trồng, thu hoạch được đến 1 tấn bắp, tính ra năng suất trung bình đạt 12 tấn/ha (tươi). Nếu như những năm trước đây chỉ thu được khoảng 10 triệu/ha, thậm chí một số năm làm vất vả cả vụ cũng chỉ đủ trang trải chi phí mà không có lãi thì vụ này thu được đến 20 triệu/ha. Nhờ các kỹ sư Syngenta tư vấn kịp thời mà anh biết tính toán thời điểm trồng – thu hoạch – chăm sóc khoa học và tốt nhất. Quan trọng nhất là anh nhận thấy lợi ích lớn từ việc bổ sung phân kali cho cây trồng (cứ 1kg giống thì bón 50kg NPK lót, 20kg đạm, 10kg kali). Kết quả, cây có đủ kali nên tăng khả năng chống chịu tác động ngoại cảnh như khí hậu, thời tiết, giảm sâu bệnh, gãy đổ, cây phát triển tốt hơn và năng suất cao hơn. Quá tâm đắc nên anh còn phổ biến kiến thức quý báu này cho mọi người xung quanh và giờ anh em họ hàng và nhiều nông dân khác trong làng đều làm theo những chia sẻ ấy. Anh Phúc chia sẻ cảm nghĩ: “Tham gia chương trình là thấy an tâm lắm vì các anh kỹ sư luôn thăm hỏi thường xuyên và hướng dẫn các kỹ thuật canh tác cũng như chăm sóc cây trồng đặc biệt là vào những thời điểm sinh trưởng quan trọng của cây. Cũng nhờ chương trình mà việc canh tác của tôi và bà con hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi mong chương trình sẽ được mở rộng ra hơn nữa”. Khoa học và bài bản cũng là những gì chúng tôi cảm nhận khi đến thăm vườn cà phê của bác Lương Văn Diêm, ngụ tại thôn 2, xã Tân Lập, huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk. Chỉ mới năm đầu tiên tham gia chương trình mà vườn cà phê của bác ngày càng ổn định, giảm hẳn sâu bệnh hại và rụng trái. Trước đây vườn cà phê nhà bác tái canh nên bị tuyến trùng tàn phá nặng nề, cây còi cọc, năng suất thấp. Vậy nên khi được chọn tham gia chương trình, bác phấn khởi như bắt được vàng.

Bác chia sẻ: “Nghe được Syngenta hỗ trợ kỹ thuật canh tác là tôi đồng ý ngay. Nhờ các chú kỹ thuật hướng dẫn mà tôi đầu tư phân bón, thuốc BVTV hiệu quả hơn hẳn, nhìn vườn cà phê của mình xanh tốt hơn so với năm ngoái mà mừng lắm. Tôi cảm ơn chương trình đã hỗ trợ tôi rất nhiều và đây là chương trình thiết thực, nhắm tới lợi ích chính của bà con nông dân”.   Cần cam kết lâu dài Anh Phúc và bác Diêm chỉ là hai trong tổng số 20 nhà nông tham chiếu được chương trình chọn hỗ trợ trên toàn Việt Nam. Được biết, Chương trình Phát triển Bền vững bao gồm 6 cam kết toàn cầu của Syngenta trên những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp như năng suất mùa vụ, đa dạng sinh học, sức khỏe con người, v.v, có sự hợp tác của nhiều tổ chức uy tín thế giới như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Công ước Liên hiệp quốc về Chống sa mạc hóa (UNCCD), Hiệp hội Công bằng Lao động (Fair Labor Association)... Tại Việt Nam, trong 2 năm 2014 và 2015, Syngenta đã tiếp cận được 1 triệu nông hộ nhỏ trồng ngô và cà phê thông qua các sản phẩm và giải pháp của mình, đồng thời tập huấn cho hơn 200.000 lượt nông dân mỗi năm về kiến thức sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. Từ nay đến năm 2020, Syngenta toàn cầu đặt mục tiêu tiếp cận và giúp 20 triệu nông hộ nhỏ tăng 50% năng suất và tập huấn 20 triệu nông hộ nhỏ về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. Theo ông Weraphon Charoenpanit, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam, Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Năm 2016, chúng ta chứng kiến đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua khiến ngành nông nghiệp tổn thất hàng ngàn tỷ đồng. Thiệt hại chưa kịp khắc phục thì lũ lụt tại miền Trung tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến việc canh tác của hàng chục ngàn bà con nông dân. Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2 tỷ người, trong khi mỗi một giây trôi qua chúng ta mất đi diện tích đất nông nghiệp tương đương với một sân bóng đá. Việt Nam có thể phát huy tiềm năng nông nghiệp của mình bằng cách giúp nhà nông tiếp cận và áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới vào thực tiễn. Công tác này cần sự hợp tác và đồng lòng từ nhiều bên: các cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, Nhà nước và các tổ chức khác, và kết quả không thể thấy trong một sớm một chiều mà cần sự cam kết bền vững và lâu dài. Ông cho biết: “Chương trình Phát triển Bền vững là một phần quan trọng trong chiến lược hoạt động của chúng tôi, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Syngenta đối với đời sống nhà nông và tương lai của ngành nông nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân và các chương trình, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, Nhà nước và các tổ chức khác để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền nông nghiệp Việt Nam”. Nhà nông tham chiếu của Syngenta bao gồm những nhà nông trên phạm vi toàn cầu, có tinh thần học hỏi, sẵn sàng tiếp thu và áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào thực tế để cải thiện sản xuất. Tại Việt Nam, các nhà nông tham chiếu cần đảm bảo các điều kiện như canh tác ngô hoặc cà phê, diện tích canh tác trên 1ha với năng suất canh tác ở mức trung bình so với mặt bằng chung của vùng. Các kỹ sư của Syngenta sẽ tư vấn các giải pháp kỹ thuật trong suốt mùa vụ nhằm nhà nông tham chiếu cải tiến việc canh tác trở nên khoa học hơn, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập và chất lượng nông sản. Khi tham gia chương trình, nông dân sẽ định lượng và ghi chép rõ ràng quá trình sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, chẳng hạn như lượng thuốc BVTV, lượng phân bón, hạt giống, nhân công, máy móc, lượng nước, v.v. Mọi dữ liệu được công ty nghiên cứu thị trường Market Probe thu thập lại và so sánh với hệ thống các nhà nông truyền thống – những nông dân khác được chọn ngẫu nhiên trong cùng khu vực. Tất cả những dữ liệu ghi nhận được sẽ giúp nhà nông tham chiếu so sánh năng suất của mình với các nông dân khác trong vùng để xác định các mục chi phí có thể cắt giảm, từ đó quản lý việc canh tác tốt hơn, đưa ra những quyết định chính xác và đúng đắn.


Số lượt đọc: 1130 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác