Cùng nông dân bảo vệ môi trường
21/03/2017

Trung tâm BVTV phía Nam, Chi cục Trồng trọt – BVTV  tỉnh An Giang đã phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) tổng kết chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”...

Thu gom và tiêu hủy 10 tấn bao bì thuốc BVTV
 

Trung tâm BVTV phía Nam, Chi cục Trồng trọt – BVTV  tỉnh An Giang đã phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) tổng kết chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn với sự tham dự của hơn 100 nông dân điển hình

Đây là chương trình được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về công tác bảo vệ môi trường. Ông Võ Thanh Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang chia sẻ, theo tính toán, trung bình mỗi ha sản xuất lúa 3 vụ/năm, nông dân sẽ thải ra môi trường khoảng 1,7kg vỏ bao bì thuốc BVTV. Chỉ tính riêng huyện Thoại Sơn, với 40.000ha làm 3 vụ lúa, mỗi năm sẽ có khoảng 68 tấn vỏ bao bì độc hại thải ra môi trường.

Từ thực trạng báo động ô nhiễm môi trường từ rác thải nông nghiệp, từ năm 2012 đến nay Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang đã triển khai thực hiện mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại các huyện Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú và TP Long Xuyên…

Mô hình đã giúp nông dân nâng cao kiến thức trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, xử lý bao bì thuốc BVTV đúng quy định, góp phần cải thiện thu nhập, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tính đến nay đã thực hiện 6 mô hình, xây dựng 17 hố rác, với gần 200 nông dân tham gia, thực hiện thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV hơn 1,7 tấn.

Ông Lê Quốc Cường, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam nhận định, các loại vỏ chai, bao bì thuốc BVTV còn chứa dư lượng chất độc hại không quản lý, thu gom đúng nơi đúng chỗ sẽ tồn trong đất và ngấm vào nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống của các loài sinh vật và con người. Nếu không có biện pháp xử lý một cách thích hợp, sẽ làm cho môi trường ô nhiễm ngày càng nặng, rất khó khắc phục. Trung tâm BVTV phía Nam kết hợp với các tỉnh phía Nam thu gom mỗi vụ lúa trên 10 tấn vỏ chai thuốc BVTV đem đi tiêu hủy.

Theo ông Cường, mô hình công nghệ sinh thái lồng ghép bảo vệ môi trường đang đem lại hiệu quả cao ở An Giang. Cụ thể giúp tăng lợi nhuận từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha và giảm giá thành sản xuất 8 triệu đồng/ha. Việc giảm chi phí SX chủ yếu do giảm thuốc BVTV và công phun xịt. Mô hình đã thu hút thiên địch, làm đa dạng thành phần thiên địch trên ruộng lúa. Nghiên cứu sâu hơn về thành phần thiên địch trên lúa, khả năng ký sinh và ăn mồi của thiên địch, từ đó làm cơ sở khoa học để nhân ruộng mô hình ra nhiều tỉnh thành.

Nông dân Cao Văn Tiến ở ấp Trung Bình Tiến, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn canh tác 1ha lúa cho biết: “Gần 5 năm nay tham gia vào chương trình công nghệ sinh thái và kết hợp xây hố chứa rác thải chai lọ thuốc BVTV, tôi thấy môi trường trên đồng ruộng ngày càng tốt hơn, nhất là các vỏ bao bì thuốc BVTV không còn nằm la liệt trên đồng ruộng hay dưới kênh mương. Vụ ĐX vừa rồi, với diện tích canh tác 1ha lúa, tôi trồng các loại hoa dọc theo các tuyến bờ đê gồm sao nhái, đậu bắp, cúc và hướng dương. Nhờ áp dụng chương trình “1 phải 5 giảm” nên tiết kiệm chi phí đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng/ha/vụ, quả tăng lên rõ rệt, năng suất mô hình có trồng hoa đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với ngoài mô hình, lợi nhuận gần 18 triệu đồng/ha. Trong khi đó ngoài mô hình chỉ hơn 15 triệu đồng/ha".

Kết quả nhiều mô hình được triển khai trong tỉnh đã tiết kiệm chi phí phun thuốc BVTV. Cụ thể ruộng mô hình phun 7 lần thuốc BVTV, trong khi ruộng đối chứng phun định kỳ 12 lần, từ đó giúp giảm chi phí SX, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng động và môi trường.


Số lượt đọc: 1123 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác