Nuôi bò vỗ béo thoát cảnh ly hương
15/05/2017

Gia đình ông Nguyễn Văn Lem ở ấp Chót Dung, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thoát khỏi cảnh ly nông, ly hương nhờ nuôi vỗ béo bò.

Vốn là nông dân chí thú làm ăn, bên cạnh việc trồng lúa, làm vườn, ông Lem còn nuôi heo ở quy mô gia trại. Tuy nhiên, giá heo hơi thất thường theo kiểu “một tăng – ba giảm” (một năm tăng giá – ba năm giá giảm) khiến ông thua lỗ đến mức trắng tay, gia đình phải bỏ quê lên thành phố Hồ Chí Minh làm mướn.

Họa vô đơn chí, năm 2014 ông bị bệnh nặng phải đặt stent mạch vành tim. Sức khỏe yếu, không thể làm công nhân, ông đành về quê với nỗi lo cơm áo gạo tiền, thuốc men thật nặng nề, bế tắc. Trong lúc khó khăn tưởng không thể vượt qua, ông Lem được ông Phan Văn Út, Trưởng ban Nhân dân ấp cũng là người có nhiều kinh nghiệm nuôi vỗ béo bò, ra tay cứu giúp.

Ông Lem được ông Út cho mượn đôi bò làm vốn đồng thời được tận tình hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc và lo đầu ra. Sau ba năm siêng năng, cần kiệm; đến nay, gia đình ông Lem đã xây dựng được 2 chuồng nuôi, với 11 con bò vỗ béo.

Ông cho biết, hai năm nay tuy giá bò hơi có giảm nhưng giá mua bò đầu vào (bò để vỗ béo) cũng giảm nên nuôi vẫn có lời. Tận dụng nguồn cỏ trồng dưới tán cây trong vườn cây ăn trái và phụ phẩm tại chỗ (thân bắp, rơm rạ), lấy công làm lời, mỗi năm gia đình thu được trên dưới 100 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế nuôi vỗ béo bò của gia đình, ông Lem cho biết nuôi bò ít rủi ro với các lý do: Chi phí đầu tư chuồng trại không lớn; ít bị dịch bệnh, dễ nuôi; không tốn chi phí thức ăn; không bị ép giá vì quá lứa như các loại vật nuôi khác. Chỉ cần siêng năng, chịu khó thì nuôi bò sẽ “chắc như bắp”.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao cần chú ý khâu chọn bò để vỗ béo; chăm sóc và bảo vệ tốt (làm mùng tránh muỗi, tiêm phòng đầy đủ); số lượng từ 4 con trở lên để có thể cung cấp đủ phân cho hầm biogas, ông Lem lưu ý thêm.


Số lượt đọc: 809 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác