Phát triển nghề nuôi ong
19/07/2019

Khi mà không ít nơi vẫn gặp khó khăn để xác định nghề đào tạo có hiệu quả, thì việc mở rộng các lớp học về nghề nuôi ong ở Nghệ An là một hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay.

Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tại Nghệ An, các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đã mở hàng trăm lớp dạy nghề nông cho hàng ngàn lượt người, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật cho bà con các dân tộc các huyện miền tây...

Từ đó số lượng đàn ong không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 5/2017 số lượng đàn ong nội (Apis Cerara) lên tới 35.000 đàn. Hàng năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn mật ong.

Ông Trần Tử Bá, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Tân Kỳ cho biết: "Chúng tôi đã mở lớp dạy nghề nuôi ong đến tận thôn, bản hơn 10 năm nay. Thôn, bản nào cũng có hội những người nuôi ong mật. Mật ong Tân Kỳ bán ra thị trường khắp cả nước. Ngoài ra bà con còn nhân giống cung cấp ra thị trường hàng ngàn đàn ong mật. Điển hình là anh Nguyễn Văn Trang ở xã Nghĩa Bình, hàng năm ngoài cung cấp mật ong, anh còn nhân giống từ 200 - 300 đàn ong bán ra thị trường".

Anh Văn Đức Tụy ở phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai là người nuôi ong giỏi, chuyên đi tư vấn chuyển giao nghề nuôi ong. Bà con bảo anh Tụy có bàn tay vàng, mát tay. Ong nội thường rất dữ, khi anh mở thùng kiểm tra thì đàn ong rất thân thiện. Ngoài bán mật ong và ong giống, anh còn cho ong mật sản xuất sữa chúa để cung cấp cho thị trường.

Anh Ngô Quang Hà ở xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu sau khi học xong nghề nuôi ong rồi về áp dụng, mỗi năm bán mật được từ 150 - 200 triệu đồng, đồng thời đi chuyển giao, tư vấn cho bà con các xã lân cận...

Tại thị xã Thái Hòa có ông Vận ở phường Quang Tiến; ông Thục ở xã Tây Hiếu; ông Tống ở xã Nghĩa Mỹ là những chuyên gia nuôi ong giỏi, có thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thành công của những lớp nghề nuôi ong là đã chuyển giao công nghệ thùng nuôi cải tiến, đặt cầu gắn tầng chân, phương pháp xử lý khi ong bốc bay, cách tạo chúa, chia đàn để nhân thêm đàn mới, lấy mật bằng quay li tâm. Nếu trước đây các hộ nuôi nhỏ lẻ và số đàn không đáng kể thì sau các lớp học đã thành lập được các câu lạc bộ, tổ hợp tác nhiều hộ có từ 50 - 200 đàn trở lên... Sau khi khai thác mật vẫn bảo tồn đàn ong và bà con đã biết nhân giống bảo tồn đàn ong nội địa.

Anh Văn Đức Tụy, Hội Nông dân phường Mai Hùng cho biết, bà con trong phường xác định rằng nuôi ong là một nghề. Muốn nuôi ong phát triển bền vững thì phải học. Từ năm 2009 Hội Nông dân phường đã tổ chức mở lớp dạy nghề nuôi ong với số lượng học viên 40 người. Từ đó đến nay phong trào nuôi ong rất phát triển. Đến nay đã có 75 hộ nuôi ong với tổng số đàn lên 1.800. Bà con đã hiểu về ong mật và đam mê nghề.

"So với nghề chăn nuôi khác thì nuôi ong được coi là đầu tư ít vốn nhưng đem lại lợi nhuận cao, ngoài lợi ích kinh tế ong mật còn thụ phấn trực tiếp cho cây trồng, làm tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nghề nuôi ong cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn, ong bốc bay, ong chia đàn, ong bị bệnh...", anh Tụy chia sẻ.

Hiện nhiều địa phương đã thành lập câu lạc bộ, tổ hợp nuôi ong như CLB nuôi ong Phú Tân (xã Tây Hiếu, TX Thái Hòa); tổ hợp nuôi ong xã Nghĩa Mỹ (TX Thái Hòa), CLB nuôi ong xã Mỹ Thành (huyện Yên Thành), tổ hợp nuôi ong xã Mai Hùng (TX Hoàng Mai).

Khi mà không ít nơi vẫn gặp khó khăn để xác định nghề đào tạo có hiệu quả, thì việc mở rộng các lớp học về nghề nuôi ong ở Nghệ An là một hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay.


Số lượt đọc: 896 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác