'Bắt mạch' đất trồng dứa xứ Thanh
06/09/2017

Nông trường Hà Trung nay là Cty TNHH MTV Nông công nghiệp Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa có hơn 650ha dứa. Đất ở đây chủ yếu là đất cát pha nâu vàng, kết cấu sỏi cơm, phân bố trên các đồi thoải. 

Đất trồng dứa nơi đây chua nặng (pH < 4), nghèo lân, kali dễ tiêu và rất nghèo các chất canxi (vôi), magiê, lưu huỳnh, silic cùng các chất vi lượng kẽm, bo, coban, mangan…

Canh tác dứa ở địa phương này tồn tại 2 vấn đề lớn là sâu bệnh gây hại, năng suất chất lượng chưa cao.  

Nguyên nhân từ phân bón

Nguyên nhân chính khiến đất trồng dứa chua như hiện nay do sử dụng phân bón chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nông dân về tính chất đất, nhu cầu dinh dưỡng của cây, đặc tính hóa học của từng loại phân bón nên việc canh tác thiếu cân đối.

Đặc biệt, người nông dân cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng có thói quen sử dụng nhiều phân đơn, đặc biệt phân đạm để thâm canh cây dứa. Phân NPK cũng được áp dụng trong những năm gần đây nhưng chủ yếu vẫn là những loại thông thường, chỉ có duy nhất 3 thành phần dinh dưỡng là NPK, thiếu hầu hết các chất trung, vi lượng.

Các chất trung, vi lượng có vai trò với cây dứa không kém gì đa lượng NPK hiện nay là canxi (vôi), magiê, lưu huỳnh, silic cùng các chất vi lượng kẽm, Bo, Coban, Mangan… Đây là lỗ hổng về khoa học kỹ thuật khiến đất đã nghèo phân bón bổ sung lại thiếu trung, vi lượng, hậu quả là dinh dưỡng trong đất mất cân bằng nghiêm trọng, cây dứa sinh trưởng phát triển yếu sức đề kháng sâu bệnh, kém ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất chất lượng quả.  

Thực nghiệm để tìm phân thích hợp

Nhằm tìm loại phân thích hợp cho cây dứa, trong năm 2016 và 2017, hai hộ nông dân thuộc nông trường Hà Trung thực nghiệm bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển cho cây dứa với diện tích 1ha gồm 2 công thức: Công thức bón phân Văn Điển 0,6ha.

Công thức bón đối chứng bón theo tập quán địa phương diện tích 0,4ha. Vùng thực nghiệm cùng một dải đất, có thành phần cơ giới là cát pha, địa hình đồi bằng.

Tất cả biện pháp kỹ thuật canh tác như thời vụ làm đất, chăm sóc… trên nền phân bón Văn Điển và nền đối chứng tương tự như nhau. Chỉ khác là chủng loại phân và liều lượng sử dụng.

Công thức bón phân bón đa yếu tố Văn Điển sử dụng 3 chủng loại gồm: Lân Văn Điển có thành phần dinh dưỡng P2O5 = 16%, Vôi = 30%, Magiê = 15%, Silic = 24%, vi lượng kẽm = 0,02%, Bo = 0,04%, Sắt = 0,4%, Mangan = 0,04% tổng dinh dưỡng đạt 86%.

Phân đa yếu tố NPK 5.10.3 có thành phần dinh dưỡng: N = 5%, P2O5 = 10%, K2O = 3%, CaO = 15%, MgO = 9%, SiO2 = 14%, S = 2% và 6 chất vi lượng Zn, B, Co, Fe, Cu, Mn. Tổng dinh dưỡng 58%.

Phân đa yếu tố NPK 12.8.12 có thành phần dinh dưỡng: N = 12%, P2O5 = 8%, K2O = 12%, CaO = 6%, MgO = 8%, SiO2 = 9%, S = 3% và 6 chất vi lượng Zn, B, Co, Fe, Cu, Mn. Tổng dinh dưỡng 65%.

Công thức đối chứng, sử dụng 5 chủng loại: Vôi, lân supe, NPK 5.10.3 thông thường, urê, kali.

Cách bón: Bón lót trước khi đặt chồi: Công thức bón phân Văn Điển, bón 1.000kg lân Văn Điển + 1.000kg đa yếu tố NPK 5.10.3 + 15 tấn phân hữu cơ trên 1ha.

Công thức đối chứng: Bón 500kg vôi + 1.000kg NPK 5.10.3 + 1.000kg lân supe + 15 tấn phân hữu cơ. Sau khi trồng 60 ngày, bón thúc lần 1 công thức phân Văn Điển bón 1.500kg đa yếu tố NPK 12.8.12, công thức đối chứng bón 700kg urê + 300kg kali.

Sau khi trồng 120 ngày bón thúc lần 2: Công thức phân Văn Điển bón 1.000kg đa yếu tố NPK 12.8.12 còn công thức đối chứng bón 400kg urê + 400kg kali.

Trước khi xử lý ra hoa cả 2 công thức đều bón cùng lượng phân 300kg urê + 300kg kali. So sánh về giá trị đầu tư, công thức phân Văn Điển ngang bằng công thức đối chứng. So sánh về thành phần dinh dưỡng, công thức bón phân Văn Điển vượt trội hơn công thức đối chứng ở những loại chất dinh dưỡng: 90kg vôi, 480kg magiê, 650kg silic, 200kg P2O5 và 6 chất vi lượng.

 

Từ kết quả những năm trước bón phân Văn Điển cho cây dứa ở nông trường Thống Nhất, huyện Yên Định, đến nay kết quả bón phân Văn Điển cho dứa ở Hà Trung, Bỉm Sơn đã khẳng định phân bón Văn Điển thích hợp cho việc thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng đối với cây dứa ở Thanh Hóa.

 

Ngược lại, công thức đối chứng bón cao hơn công thức Văn Điển là 140kg N và 60kg K2O. Thực nghiệm ô lớn, công thức đối chứng cùng nằm trong vùng thực nghiệm. Giống dứa Queen trồng ngày 29/1/2016 thu hoạch cuối tháng 5 /2017.  

Kết quả khách quan

Kết quả mô hình: Về sinh trưởng, phát triển công thức bón phân Văn Điển thân cây dứa to khỏe, lá xòe “họng nở”, công thức bón đối chứng thân cây nhỏ lá mướt, màu sắc xanh xỉn, công thức bón phân Văn Điển màu lá xanh sáng phớt tím lá dày có lớp lông phủ đều trên mặt lá ra hoa tập trung, trỗ đều tỷ lệ đậu quả cao, quả lớn đồng đều chín tập trung, công thức đối chứng ra hoa không đồng đều kéo dài, độ bằng phẳng ngọn dứa thấp quả chín kéo dài.

Về khả năng chống chịu: Công thức bón Văn Điển dứa chịu hạn cao chịu nóng tốt và ít sâu bệnh giảm 50% lượng thuốc trừ sâu so với công thức đối chứng.

Về năng suất thực thu: Công thức bón phân Văn Điển đạt 45 tấn quả/ha. Công thức đối chứng chỉ đạt 42 tấn quả/ha, thấp hơn công thức bón phân Văn Điển 3 tấn quả/ha. Với giá bán tại thời điểm 5.000đ/kg quả, công thức bón phân Văn Điển thu lời hơn công thức đối chứng là 15 triệu đồng/ha.

Phân bón Văn Điển làm tăng năng suất và chất lượng dứa là do kết cấu thành phần dinh dưỡng đầy đủ tất cả các loại chất mà cây dứa cần từ đa lượng NPK đến trung lượng, vi lượng đặc biệt hàm lượng các chất trung, vi lượng trong phân Văn Điển chiếm tỷ lệ rất cao mà các loại phân bón thông thường không có được. Cây dứa được cung cấp thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng nên sinh trưởng phát triển khỏe và cho năng suất vượt trội.


Số lượt đọc: 1220 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác