Đánh thức tiềm năng của đất
16/10/2017

Phong trào phát triển kinh tế vườn đồi ở xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) ngày càng lan tỏa rộng khắp. Có sức người, tiềm năng của đất được đánh thức, những diện tích hoang hóa trước đây giờ biến thành cơ ngơi tiền tỷ…

 

Đến lúc này, ông Lê Đình Việt (SN 1958) được xem là người đi tiên phong trong quá trình “biến đất khó thành mỏ vàng”.

Vốn là công nhân của Lâm trường Sông Chàng (giờ đổi thành BQL rừng phòng hộ Sông Chàng), nhờ cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, năm 1999 gia đình ông được cấp hơn 6ha đất để phát triển kinh tế. Sau gần 20 năm dai dẳng bám trụ, vượt qua chặng đường dài đầy thử thách và chông gai, giờ đây ông Việt đã có thể hài lòng với thành quả mà mình đã đạt được.

“Ngày đó đất đai bạt ngàn nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện khai hoang sinh lợi, thực tế suốt thời gian dài nhiều hộ bỏ hoang hóa diện tích không ngó ngàng gì đến nơi. Thú thực gia đình tôi cũng có phần ái ngại bởi kinh phí đầu tư vượt quá khả năng, nhưng thiết nghĩ đây là con đường duy nhất có thể thoát nghèo nên vợ chồng động viên nhau, quyết tâm khai hoang cho bằng được”, ông Việt bộc bạch.

Từ chỗ chỉ độc canh cây mía, ông Việt mạnh dạn huy động thêm nguồn lực từng bước nhân rộng quy mô diện tích, đưa các loại cây cho giá trị kinh tế cao như thanh long, ngô, ổi, táo, nhãn, cao su... vào canh tác.

Kiên định với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, năm 2014 ông quyết định trồng thêm 1.000 gốc cam các loại (cam Vinh, đường Canh, V2) trên diện tích 2ha. Với kinh nghiệm dạn dày, ông thừa hiểu đây là giống cây cực kỳ “khó tính”, mặc dù khả năng sinh trưởng nhanh nhưng lại nhạy cảm đặc biệt với điều kiện thời tiết và dịch bệnh gây hại. Vì thế suốt từ đó đến nay, chưa một phút nào ông lơ là, chủ quan.

Tích cực chăm bẵm, túc trực theo dõi 24/24h nên tình hình luôn trong tầm kiểm soát, mọi sự cố nếu có đều được xử lý kịp thời, nhanh gọn. Dù mới đưa vào canh tác vụ đầu nhưng cây cam thích nghi rất nhanh với điều kiện thổ nhưỡng, sau đúng chu kỳ 3 năm đã cho lứa quả ngọt đầu tiên.

Theo ông Việt: “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, chắc chắn khi thu hoạch lần 2 năng suất, chất lượng cam sẽ cao hơn nhiều. Lợi nhuận từ cây cam rất lớn, tôi đang tính đến phương án mở rộng diện tích trong thời gian tới”.

Khi được hỏi về tổng doanh thu hàng năm, ông Việt cười xòa rồi đáp gỏn lọn: “Chỉ đủ sống thôi chú ơi”. Mặc dù không nói thẳng ra nhưng bất kỳ ai cũng hiểu, với quỹ đất lên đến 20ha thì lợi nhuận mang lại lớn đến nhường nào.

Từ hai bàn tay trắng, bằng nghị lực phi thường ông Việt đã gây dựng cho mình một cơ ngơi đủ đầy cùng sự ngưỡng mộ của nhiều người. Năm 2015 ông vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội Làm vườn xã Xuân Hòa.

Thành công của ông Việt đã tạo nên động lực thúc đẩy đến hàng chục gia đình khác trên địa bàn, nhiều nhà không ngần ngại chi ra “tiền tấn” để hình thành nên những trang trại quy mô.

Điển hình là trường hợp của gia đình anh Lê Minh Hải và chị Nguyễn Thị Hòa. Năm 2015 hai vợ chồng mạnh dạn huy động 3 tỷ đồng để trồng mía, cao su, bưởi Diễn, cam trên tổng diện tích 12ha. Sau 3 năm “ăn chực nằm chờ”, chị Hòa, anh Hải đang đếm ngược từng ngày ngóng lứa quả ngọt đầu tiên.

Hiện cam trong vườn đang phát triển đều, dự kiến sau 2 tháng nữa sẽ xuất bán. Ước chừng 1ha cam cho khoảng 30 tấn quả, theo giá thị trường là 30.000 - 35.000 đồng/kg, nếu không gặp sự cố bất thường gia đình chị Hòa vụ này thắng lớn.

 

“Những năm qua Xuân Hòa thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước đưa những loại cho giá trị kinh tế cao như cam Vinh, bưởi Diễn, dưa hấu, dứa vào canh tác để nâng cao hiệu quả thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Hiện toàn xã có gần 50 hộ tham gia mô hình, thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu về 2 - 3 tỷ đồng/năm”, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân.

 


Số lượt đọc: 1068 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác