Xã trồng 700ha bưởi đường
16/10/2017

Xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) nằm bên tả ngạn dòng sông Gâm vốn được nhiều người biết đến là miền quê cằn cỗi đá ít đất nhiều, đời sống đồng bào còn nhiều gian khó.

 

Vậy mà chỉ dăm năm trở lại đây, đất và người Xuân Vân đã tự mang đến cho mình một diện mạo mới. Câu chuyện bắt nguồn từ cây bưởi đường.  

Xây dựng thương hiệu bưởi đường Xuân Vân

Như hầu hết những miền quê khác của đất nước, cây bưởi được trồng ở Xuân Vân là bưởi ta đã tồn tại từ nhiều đời. Tuy nhiên, khi rễ cây bám vào những đọt đất nằm lọt giữa những hốc đá núi thì bưởi xanh tốt và cho quả có vị ngọt, mát. Múi bưởi đều, dóc dáo tôm. Vì đó mà bưởi Xuân Vân được gọi tên riêng là bưởi đường. Người Tuyên Quang có câu: “Đất Xuân Vân tuyệt trần múi bưởi”.

Từ thực tế đó, năm 2013, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, HTX Nông lâm nghiệp Xuân Vân bắt tay vào việc phục chế giống bưởi đường, đề nghị cấp chứng nhận nhãn hiệu bưởi đường Xuân Vân.

Ông Phạm Trung Văn, Giám đốc HTX Xuân Vân cho biết, người dân nơi đây đều khẳng định chất lượng của giống bưởi quê mình nhưng để nâng tầm giá trị, đưa bưởi trở thành loại cây ăn quả chủ lực, hàng hóa quy mô lớn thì chưa được triển khai. Qua việc đề nghị cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể bưởi Xuân Vân thì người dân đã thay đổi được rất nhiều nhận thức về thương hiệu, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm.

Trước đây, bưởi được trồng kẹ, trồng tranh thủ, tận dụng những diện tích đất thừa bên bờ ao, giếng nước... Việc chăm sóc gần như không được thực hiện. Cứ khi cây có quả vào trung tuần tháng tám, tháng chín âm lịch là thu hái để gia đình sử dụng chứ ít người mang bán. Nay bưởi được trồng thành vườn, bãi tập trung với quy mô nhà ít thì vài sào, nhà nhiều vài héc ta. Do có diện tích trồng lớn nên người trồng bưởi còn chuẩn bị những hố để ủ hoai phân xanh, phân chuồng.

 

Bà Nguyễn Thị Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho biết, người dân ngoài được tập huấn kỹ thuật cặn kẽ trong trồng và chăm sóc thì công tác giống cũng được khuyến cáo cụ thể. Theo đó, có 9 gốc bưởi trên 20 năm tuổi ở Xuân Vân được chọn là gốc bưởi tổ. Những cây bưởi tổ sẽ là nguồn tạo hom giống đầu dòng để nhân diện tích trồng bưởi của nhân dân.

 

Đặc biệt, mùa bưởi ra hoa, thay vì để cây thụ phấn tự nhiên, người dân đã chủ động thực hiện việc thụ phấn cho bưởi để cho quả phân bố đều ở cành la, cành nhánh, khống chế được số lượng quả trên mỗi cành và tạo điều kiện để chăm sóc tốt hơn. Sau vụ thu hoạch, người dân tập trung chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc nấm thân cây, bón phân để bưởi phục hồi...  

Phát triển mạnh

Qua gần một năm xây dựng, bưởi đường Xuân Vân đã được cấp nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Bưởi Xuân Vân vốn đã ngát hương nay tiếng thơm càng bay xa hơn nữa. Ngay từ thời điểm tháng sáu, tháng bảy âm lịch, các vườn bưởi chất lượng ở Xuân Vân gần như đã được bán hết. Thương lái từ khắp nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ... tìm đến từng vườn bưởi để đặt tiền, ký hợp đồng mua dóc cả vườn từ khi quả bưởi mới độ chũm cau.

Anh Trịnh Văn Lực ở xóm Đồng Dài, xã Xuân Vân cho biết, gia đình có 3ha bưởi. Tuy nhiên mới có 0,5ha cho thu hoạch. Vụ trung thu vừa qua, khách đến thu hoạch bưởi đã trả cho gia đình anh tổng số tiền là 250 triệu đồng. Ở Xuân Vân nhiều gia đình có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng từ bưởi như gia đình ông Đỗ Khắc Khoát, ông Nguyễn Xuân Thỏa (xóm Soi Hà)...

Phó Giám đốc HTX NLN Xuân Vân, anh Đào Hồng Chiến cho biết, toàn xã có 700ha bưởi với khoảng hơn 800 hộ trồng bưởi kinh doanh. Nhà ít thì vài sào, nhà nhiều có vài héc ta. Số hộ có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm chiếm tới 60% số hộ trồng bưởi. Người trồng bưởi rất ngại nói về giá và thu nhập từ bưởi. Thường các hộ dân nói giá thấp hơn so với thực tế. Cụ thể, thời điểm hiện tại, bưởi đẹp có giá tới 80 - 90 ngàn đồng/quả nhưng người dân chỉ nói khoảng 50 - 60 ngàn. Những hộ thu nhập cao từ bưởi thường không muốn trả lời cụ thể mức thu nhập cho khách.

Ông Tô Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, bưởi đường đã mang lại đời sống ấm no cho người dân địa phương. Đặc biệt, từ khi bưởi Xuân Vân được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì giá trị thu nhập của cây bưởi ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chính cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương lại đang lo lắng là không thể khống chế được mức độ tự phát trồng mới cây bưởi. Quy hoạch ban đầu chỉ có 400ha nhưng hiện diện tích đã lên quá 700ha. UBND xã khuyến cáo bà con không trồng tràn lan các loại giống khác mà tập trung vào giống chủ lực đã làm nên thương hiệu...


Số lượt đọc: 1703 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác