Trong trồng rau làm kinh tế, tái sinh là một kỹ thuật vô cùng quan trọng. Nó giúp người trồng tiết kiệm được chi phí nhân công, vật tư sản xuất, năng suất có thể đạt hoặc hơn thu hoạch lần 1 do có nhiều nhánh con phát triển.
Xin chia sẻ kinh nghiệm tái sinh 3 loại rau thông thường là rau muống, rau đay và mùng tơi.
Rau muống (cạn)
Kỹ thuật cắt tái sinh: Rau muống sau khi thu hoạch tiến hành cắt tỉa lại gốc, để lại 1 - 2 mắt mần, làm sạch cỏ, nên để đất khô từ 2 - 3 ngày, hạn chế tưới nước nhằm giảm nguồn bệnh. Thời gian từ lúc thu hoạch lần 1 tới thu hoạch tái sinh là 12 - 15 ngày. Mùa nắng thời gian tái sinh ngắn hơn mùa mưa do điều kiện sinh trưởng tốt hơn.
Bón phân: Sau khi làm sạch cỏ, tiến hành bón phân, lượng phân bón bằng khoảng 50 - 70% so với vụ chính.
Lượng phân bón tham khảo cho 1.000m2: NPK 7 - 10kg, ure 3 - 5kg, kali 3 - 5kg
Có thể bổ sung thêm phân bón lá giúp lá xanh mượt hơn.
Phun thuốc: Tiến hành phun thuốc chủ yếu phòng trừ đốm trắng khi cây được 5 - 7 ngày, dùng Score 250 EC, Vymonil 720 WP, FlintPro 648WG…
Ngoài ra rau muống thường bị sâu ăn lá như sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang tấn công. Trồng rau trong nhà lưới kín hay phun các loại thuốc đặc trị cũng là giải pháp hiệu quả.
Rau đay
Kỹ thuật cắt tái sinh: Rau đay là loại cây có bộ rễ phát triển mạnh nên có thể tái sinh nhiều lần, cây sau khi trồng 25 ngày tiến hành thu hoạch, sau đó nhổ cỏ, cắt tỉa lại cho đều, chiều cao của cây sau khi cắt tỉa khoảng 20 - 40cm, sau 15 ngày sẽ cho thu hoạch lứa tiếp theo. Nếu chăm sóc tốt, năng suất tái sinh lần 1 có thể cao hơn so với vụ chính 10 - 20%.
Bón phân cho rau đay giống với rau muống, bón sau khi cắt tỉa 3 - 5 ngày, lúc cây bắt đầu ra lá non. Đảm bảo thời gian cách ly phân từ 10 - 12 ngày.
Phun thuốc: Rau đay ít sâu bệnh, bệnh chủ yếu là thán thư lá do nấm, sâu hại thường là sâu khoang, châu chấu; ngoài ra còn có nhện trắng, bọ trĩ chích hút gây quăn lá. Vì thế cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên nếu có sâu bệnh cho phun thuốc kịp thời.
Các loại thuốc dùng trị sâu khoang như Radiant 60 SC, Delfin WG, ViBT 32000 WP…
Mùng tơi
Kỹ thuật cắt tái sinh: Mùng tơi sau khi gieo từ 30 - 35 ngày thu hoạch, cắt tái sinh để lại 2 - 3 nhánh dưới gốc.
Nhánh càng dài thời gian tái sinh càng ngắn, độ dài lý tưởng từ 5 - 10cm, có thể thu hoạch lứa tái sinh 1 sau 7 - 15 ngày.
Bón phân: Lượng phân và thời gian bón giống với rau đay và rau muống, lá mùng tơi lớn nên sau khi bón tưới nhiều nước cho phân trôi xuống, tránh đọng lại gây cháy lá.
Phun thuốc: Rau mùng tơi sau khi cắt hay bị thối gốc, chết rạp và đốm mắt cua do đó nên bón phân cân đối, nhằm giúp cây chống chịu tốt với sâu bệnh, tỉ lệ phân bón N-P-K cho rau ăn lá là 1-1,2:1:0,8-1. Tiến hành phun thuốc sớm nếu phát hiện bệnh. Các loại thuốc thường dùng: Score 250 EC, Validacil 5L, Vymonil 72 WP, New Kasuran 16.6 WP, Kasumin 2SL, Moren 25 WP...
- Trồng hành tăm trên lưới (26/02/2016)
- Trồng nấm từ mùn cưa gỗ cao su (26/02/2016)
- Trồng sầu riêng lãi tiền tỷ (26/02/2016)
- Cà chua lãi không dưới 40 triệu/ha/3 tháng gieo trồng (18/02/2016)
- Giá rau xanh nhảy múa (18/02/2016)
- Nông dân phấn khởi vì giá rau ổn định (18/01/2016)
- Lột lá mía giúp nâng cao năng suất và chất lượng (18/01/2016)
- Khắc phục tình trạng táo dụng quả (18/01/2016)
- Dân mất Tết vì giá bí đỏ 'rẻ mạt'! (13/01/2016)
- Khóm Cầu Đúc giá cao kỷ lục (13/01/2016)