Nông dân sản xuất sạch, lợn, gà, cá, rau, quả bán chạy
24/11/2017

Một trong những hoạt động quan trọng được các cấp Hội Nông dân (ND) tỉnh Ninh Bình triển khai suốt từ năm 2016 đến nay là tích cực thực hiện đề án "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn".

Việc thực hiện đề án đã làm chuyển biến nhận thức của hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tăng uy tín cho các mặt hàng nông sản, đặc sản…

Làm quyết liệt vì nông dân và người tiêu dùng

Tham gia giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan và để khẳng định vai trò của các cấp Hội ND với phương châm “1 hành động hơn hàng nghìn lời nói”, tháng 7.2016, dưới sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Trung ương Hội ND Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Bình, Hội ND tỉnh tổ chức hội nghị "Ký cam kết nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" và triển khai trên toàn tỉnh, được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng.

Tại hội nghị, có 50 hộ ký cam kết cấp tỉnh, 168 hộ nông dân ký cam kết với 8/8 huyện, thành phố, 1.609 chi hội ký cam kết với 85.141 hộ hội viên nông dân và 8 mô hình sản xuất nông sản an toàn điểm ra đời. Nhiều hội viên nông dân đã nhận thấy sự cần thiết phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thì mới tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy 39.442 hộ gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn chủ động ký cam kết và đăng ký xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra công nhận.

Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Ninh Bình thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án do đích thân Chủ tịch Hội ND tỉnh làm trưởng ban. Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo, tổ công tác họp đánh giá tiến độ triển khai các mô hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết, Hội đổi mới hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa nội dung để hội viên, nông dân hiểu hơn, nắm vững kiến thức về an toàn thực phẩm; đồng thời giới thiệu KHKT, phương pháp mới, cách làm hay, nhân rộng mô hình điểm. Hội ND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trên các báo, đài địa phương và trên website của Hội; tổ chức chuyên đề "Nói không với thực phẩm bẩn" lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội với 123.273 hội viên nông dân tham dự…”.

Theo ông Đinh Hồng Thái, các cấp Hội chủ động và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng mô hình “Đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, “Liên kết cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng"… Hội cũng đồng loạt triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như: giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổ chức 31 lớp tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về quản lý an toàn thực phẩm, quy trình sử dụng phân bón, biện pháp phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trong sản xuất rau an toàn, điều kiện đảm bảo chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; các thủ tục, điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn… cho hơn 3.000 cán bộ, hội viên nông dân.

Tăng uy tín nông sản, đặc sản

 

Trước diễn biến khó lường của thực phẩm bẩn, việc thực hiện triển khai đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn” đã đang và sẽ từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi cách nghĩ cách làm trong sản xuất của hội viên nông dân, góp phần đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như sức khỏe cho chính hội viên, nông dân”.
Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình

 

Theo Hội ND tỉnh Ninh Bình, hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 303 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn với 9 mô hình điểm như mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn Sông Vân (TP.Ninh Bình); cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp (TP.Tam Điệp); mô hình sản xuất rau an toàn Văn Phong; mô hình đủ điều kiện sản xuất mắm tép an toàn Thủy Tới tại thị trấn Me (Gia Viễn); mô hình sản xuất, kinh doanh tinh bột nghệ an toàn Yên Sơn (TP.Tam Điệp); HTX Chăn nuôi dê Ninh Bình (Hoa Lư)...

Đến nay, các cấp Hội đã vận động thành lập được 6 HTX, 59 tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Hội hỗ trợ xây dựng thành công 9 nhãn mác thương hiệu sản phẩm, tăng uy tín trên thị trường cho nông sản, đặc sản an toàn do hội viên, nông dân sản xuất.

Anh Bùi Văn Thảo- Giám đốc HTX chăn nuôi dê Ninh Bình với quy mô 2.000 con, cho hay: HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN PTNT) cấp giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh thịt dê đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Thịt dê của HTX hiện nay giết mổ, đóng gói, bảo quản theo tiêu chuẩn, các sản phẩm từ trang trại của HTX đã có mặt tại các gian hàng nông sản sạch nhờ sự hỗ trợ tạo điều kiện của Hội ND tỉnh. Nhờ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y mà dê của chúng tôi đã được nhiều tỉnh bạn biết đến về tham quan học tập, bên cạnh đó, giá cả khi thương lái thu mua đã ổn định không bấp bênh như trước đây" - anh Thảo cho biết.

Ông Đinh Đức Hoàn - chủ mô hình sản xuất bún, bánh an toàn tại huyện Yên Khánh chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ hướng dẫn của các cấp Hội ND thông qua đề án nói không với thực phẩm bẩn, đến nay tôi đã ký cam kết, được cấp giấy chứng nhận mô hình đủ điều kiện sản xuất an toàn và có nhãn mác xuất xứ. Sản phẩm của tôi đã được tham dự tại các hội chợ triển lãm và trưng bày giới thiệu tại các gian hàng nông sản sạch. Hiện nay, sản xuất của tôi đã tăng doanh thu 20% so với trước đây”. /.


Số lượt đọc: 920 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác