Bỏ nghề giám đốc về nuôi lươn giống mỗi năm lãi trên 1 tỷ đồng
05/04/2018
Anh Nguyễn Thanh Tân, 37 tuổi, quê ở ấp Bình Hòa I, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm và làm.

Sau một thời gian khởi nghiệp từ con lươn giống, tuy phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cuối cùng anh cũng đã thành công.

Tốt nghiệp đại học, từng làm giám đốc cho một công ty may ở Bến Tre nhưng vì có máu chăn nuôi nên đã quyết tâm chọn nghề nuôi lươn phát triển kinh tế gia đình. Anh tâm sự, hành trình từ giai đoạn nuôi thử nghiệm cho đến lúc thành công đã trải qua nhiều gian nan vất vả, có lúc trắng tay nhưng anh không hề nản chí.

Năm 2012, anh vừa làm giám đốc vừa thuê đất đào hầm nuôi lươn nhưng cả hai lần đều thất bại. Nguyên nhân chính là thiếu kinh nghiệm, kế đến là con giống không đạt chất lượng do thu mua từ nhiều nguồn đánh bắt: đặt lọp, xúc, cào điện, mồi thuốc…nhiều con bị xây xát nên sau khi thả nuôi tỷ lệ hao hụt quá cao, những con sống thì chậm lớn. Với ý chí quyết tâm anh đã chịu khó đi đó đi đây tìm hiểu, đọc nhiều tài liệu trên mạng và đến Trung tâm giống An Giang tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Năm 2013, anh xin nghỉ việc hẳn để về quê khởi nghiệp nuôi lươn lần 2. Lần nầy anh thả nuôi 3.000 con giống, tuy thành công nhưng chưa cao, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Trong quá trình sản xuất lươn thịt anh học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi lươn đẻ nên anh đã tuyển chọn những con bố mẹ nuôi riêng. Bước sang năm 2014 anh bắt đầu xây bể, xử lý cho lươn đẻ và đưa sang bể ấp trứng, bước đầu thành công khoảng 40%. Tỷ lệ trứng nở càng ngày càng cao hơn và nay thì kết quả như mong muốn.

Cuối năm 2016 anh đã mở rộng diện tích nuôi lên 2.000m2 với 5.000 con bố mẹ. Năm 2017 diện tích tăng lên 4.000m2, gồm 60 bể nuôi với 10.000 con bố mẹ, mỗi tháng xuất bán 200.000 con giống, giá mỗi con từ 2.000 – 4.000đ (tùy theo kích cỡ). Sau khi trừ hết các chi phí anh còn lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Năm 2018 anh sẽ tăng diện tích nuôi lên 8.000m2 và dự kiến sẽ sản xuất 2 triệu con giống.

Anh chia sẻ, lươn con muốn mau lớn và khỏe mạnh giai đoạn đầu nên cho ăn trùn quế. Sau đó là cám công nghiệp. Lươn con sau khi nở cho vào bể ươm chăm sóc 2 tháng sẽ xuất bán. Nhờ có nhiều bể nên cứ 10 ngày là bán 1 đợt.

 

 

 

Nhằm mở rộng kinh doanh, anh đã mở Website để quảng bá thương hiệu và lập chi nhánh tại miền Bắc, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho người nuôi. Ngoài ra anh còn dự định sản xuất con giống tại các tỉnh phía Bắc để cho lươn giống thích nghi với khí hậu giúp năng suất chất lượng cao hơn.

Hiện nay chủ trương của anh là tư vấn cho người nuôi và hỗ trợ con giống cho những địa phương còn nhiều khó khăn, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hướng đi của anh là nuôi lươn sạch để tiến tới chế biến thực phẩm sạch từ con lươn Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang một số nước.

Anh Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch hội nông dân xã Bình Hòa Phước đánh giá anh Tân là một thanh niên năng nổ, tích cực, mô hình nuôi lươn giống của anh đã được chính quyền địa phương đánh giá cao. Mới đây anh đã hỗ trợ cho nông dân xã Bình Hòa Phước 5.000 con lươn giống nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Số lượt đọc: 873 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác