Băn khoăn heo giống
15/10/2018

Giá heo thịt vẫn đứng mức cao từ 52-53 ngàn đồng/kg, dẫn đến hiện tượng giá heo giống đang tăng đột biến, liệu có đảm bảo chất lượng để hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi?

Giá tăng đột biến

Tìm hiểu, giá heo giống trên thị trường được chia làm 2 loại chính, thứ nhất là heo hậu bị (heo nái chưa sinh sản); thứ hai là heo con cai sữa.

Đầu tháng 9, giá 1kg giống thương phẩm chỉ vào khoảng 90 ngàn đồng, nhưng bước sang đầu tháng 10 bỗng tăng vọt lên 104-106 ngàn đồng, tức tăng bình quân 15 ngàn đồng/kg. Còn heo con cai sữa 20kg từ chỗ 90 ngàn đồng/kg nay tăng lên 104 ngàn đồng/kg, tức giá tới trên 2 triệu đồng/con.

Đối với heo con 30kg thì 20kg đầu giá 104 ngàn/kg; còn 10 kg sau thì giá hơi 53 ngàn đồng/kg. Tức 1 con heo 30kg cũng có giá không dưới 2,5 triệu đồng.

Trong đó, đối với nhóm heo hậu bị thì các doanh nghiệp FDI cung cấp giống có chất lượng như Japfa, CP, Anco, Greenfeed… được cho là tính theo giá thành heo hơi và chi phí công tác giống từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/con, cho nên với nhóm sản phẩm này giá lại ít biến động. Tuy nhiên, đối với nhóm heo con cai sữa thì thường gấp đôi giá heo thịt, hiện đang phổ biến ở mức 103-104 ngàn đồng/kg đối với heo con có trọng lượng khoảng 20kg như nói trên.

Đáng nói, dù giá giống cao nhưng do đây là thời điểm cuối năm, trong khi giá heo lại ổn định thời gian khá lâu khiến cho không ít hộ chăn nuôi bắt đầu lập đàn, tăng đàn, đổ xô mua con giống bất chấp nguồn gốc (bố, mẹ) thế nào, có đủ tiêu chuẩn của con giống xuất chuồng hay không?

Trong đó, việc quản lý chất lượng heo đực giống (dùng để phối sản xuất heo giống) trong thực tế thì ngành thú y địa phương đang gặp khó khăn do nguồn nhân lực, vật lực cho công tác này còn hạn chế.

Theo một cán bộ thú y của Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Trảng Bom (Đồng Nai), hầu hết các hộ chăn nuôi heo đực giống mua giống có nguồn gốc không rõ ràng, tự lai tạo, nhờ mua hộ... nên khó xác định chất lượng giống. “Cán bộ thú y chỉ quản lý được nguồn gốc, tuổi đời của con giống. Còn việc các chủ hộ có thực hiện đúng quy trình hay không thì rất khó. Vì vậy, việc gắn thẻ tạm thời theo quy định chỉ theo những đặc điểm thể hiện ra bên ngoài của từng cá thể con đực giống thôi”, vị này nói.  

Quản lý thế nào?

Ông Trần Văn Dương, ở ấp 3, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, cho hay, mấy ngày qua ông vất vả tìm mua heo giống để tăng đàn từ 150 con lên gấp đôi, tuy nhiên đi hỏi nhiều trại heo giống tư nhân cũng như các trại lớn của Japfa, Greenfeed, CP... họ đều bảo phải đăng ký trước và hiện vẫn chưa thể mua được. Theo ông Dương, nhu cầu của gia đình ông là muốn nuôi thêm vài chục nái hậu bị 80kg/con và vài chục heo con cai sữa.

“Mua heo chọn nái, muốn có con heo giống tốt thì phải chọn dòng, biết lý lịch của nó, nguồn gốc thế nào, nhưng trong thời điểm heo giống đắt đỏ lại khan hiếm như lúc này, thì không có điều kiện tìm hiểu, chất lượng ra sao cũng chỉ biết phó mặc cho các trại giống thôi”, ông Dương chia sẻ.

Một chủ trại giống heo tư nhân ở xã Bình Minh là bà Bé Bảy, nuôi 300 nái cho biết, trong 1 tháng bà có khoảng 60 nái đẻ với bình quân 8-9 con/nái. Như vậy, tổng số heo nái hậu bị và heo con cai sữa xuất chuồng gần 500 con/tháng, với giá bán hiện nay bà thu nhập cả nửa tỷ/tháng. Trong tháng 9, bà bán giá 1,5 triệu đồng/heo con cai sữa (20kg), nhưng vào thời điểm này giá đã tăng lên 2,1 triệu đồng/con. “Bà con chăn nuôi kể cả thương lái ở xa nghe giới thiệu cũng điện thoại đến trại chúng tôi đặt hàng trước cả tháng, nhưng số lượng nái có hạn nên tôi chỉ giao theo tiến độ được chăng hay chớ”, bà Bảy cho biết.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán (PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai), vấn đề tái đàn của người chăn nuôi hiện gặp vấn đề khó khăn nhất là con giống. Thời điểm heo xuống giá, hầu hết người chăn nuôi chỉ phối con giống để làm thương phẩm chứ không phối con giống nên giờ thiếu.

"Tuy nhiên, tình hình thiếu hụt nguồn cung như hiện nay cũng không quá lo ngại, bởi ngoài nguồn cung từ các trại giống của người dân thì còn có nguồn cung từ các doanh nghiệp chăn nuôi FDI. Theo chu kỳ chăn nuôi (12-14 tháng sẽ xuất chuồng) thì nguồn cung này sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường", ông Đoán nói.

Có thể nói, các doanh nghiệp hay các trại giống đang gặp khó khăn trong việc tăng sản xuất heo giống thương phẩm trong thời gian ngắn hạn, nhất là vào 2 tháng cuối năm. Trong đó, các Cty lớn vốn có lộ trình rõ ràng trong việc tăng đàn heo nái với các cấp độ giống, nên cung cấp heo giống trong ngắn hạn cũng khó mà đáp ứng.


Số lượt đọc: 690 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác