Giống lúa SHPT3 có chịu ngập úng?
19/10/2019

SHPT3 là giống lúa do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo từ tổ hợp lai giữa Khang dân 18 – PSBRc68, mang gen chịu ngập Sub1 được nhập nội IRRI. Mô hình trình diễn 10 ha tại Thanh Hóa cho kết quả khả quan.

Vụ mùa 2018, ông Lê Thúc Huấn tại thôn Thái Phong, xã Thái Hòa (Triệu Sơn) trồng 1.500 m2 theo mô hình trình diễn do Công ty Giống cây trồng Tứ Xuyên phối hợp Công ty Giống cây trồng Hải Dương triển khai. Do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn bộ diện tích bị ngập từ 5 - 7 ngày khiến khả năng sinh trưởng phát triển của cây lúa có chậm lại nhưng vẫn cho kết quả mỹ mãn. Sau 102 ngày gieo trồng kể từ thời điểm làm mạ, đến nay gia đình ông sắp thu hoạch. Năng suất dự kiến đạt 3 tạ/sào (500 m2).

Ông Huấn chia sẻ: “Nhược điểm của giống lúa này là khả năng đẻ nhánh hạn chế, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Cũng có thể trong giai đoạn này cây lúa bị ngập nước nên đẻ nhánh kém. Nhưng so với các giống khác trên cùng xứ đồng thì SHPT3 có những đặc điểm nổi bật như cây cao, cứng cây, lá đứng, lá đòng dài, chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu úng, chịu chua, ít sâu bệnh, bông to, hạt mẩy.

Theo kinh nghiệm của tôi thì đó là đặc điểm cho thấy tiềm năng năng suất cao. Nên tiếp tục có những mô hình khác để đối chứng, nếu SHPT3 vẫn thể hiện được những ưu điểm trên thì nên đưa cơ cấu vào vùng sâu trũng”.

Kết quả trình diễn 5 ha tại các xứ đồng trũng của HTX DVNN Thái Hòa (xã Thái Hòa – Triệu Sơn) cho thấy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện phải chịu 2 lần ngập úng sau cơn bão số 3,4; năng suất dự kiến đạt từ 6 - 6,5 tạ/ha. Các cánh đồng khác tại Thiệu Hóa cũng cho kết quả tương tự.

Tuy nhiên, trước thông tin nhà cung ứng đưa ra, rằng SHPT3 có thể chịu úng được 10 - 15 ngày, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần làm rõ cụ thể khái niệm ngập úng ở giống lúa này.

“Thực tế cho thấy, vụ mùa năm nay, trên chân ruộng trũng ngập lụt tại Thanh Hóa, SHPT3 cho năng suất khá. Chất lượng gạo như nhà cung ứng khuyến cáo ngon hơn, năng suất hơn Khang dân 18 và có thể phục vụ sản xuất các mặt hàng như bánh, bún… Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa giống lúa này vào cơ cấu mùa vụ nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện. Và quan trọng nhất, cần có thời gian thử nghiệm để kết luận SHPT3 có khả năng chịu úng dài ngày hay không và quan trọng là chống chịu được ở giai đoạn sinh trưởng, phát triển nào. Nếu nó chịu úng ở giai đoạn làm đòng thì quả là siêu việt và xứng đáng để nông dân lựa chọn thay thế cho Khang dân 18”, ông Kỳ phân tích.

Ông Nguyễn Bá Sách, Giám đốc HTX Hoàng Sơn (Nông Cống) cũng cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, tìm được một giống lúa có nhiều đặc điểm giống Khang dân 18 nhưng gạo ngon hơn, năng suất cao hơn là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên, cần có thời gian để khẳng định mức độ chống chịu ngập úng của giống lúa này có đúng như khuyến cáo không.

 

 

 

“Vụ mùa này, xã Hoàng Sơn có 100 ha lúa vùng ngoài đê bị ngập và coi như mất trắng. Nếu SHPT3 được như kỳ vọng chúng tôi sẽ đem vào cơ cấu ở vùng này. Nhưng bản thân SHPT3 phải khẳng định được khả năng chịu úng, được công nhận giống quốc gia đã. Với chúng tôi, trồng thử cũng được nhưng phải cam kết chặt chẽ bảo đảm năng suất với đơn vị sản xuất, cung ứng giống”, ông Sách cho hay.

Theo khuyến cáo của Công ty Giống cây trồng Tứ Xuyên, SHPT3 có thời gian sinh trưởng 125 - 130 ngày (vụ xuân) và 103 - 107 ngày (vụ mùa). Đặc điểm của SHPT3 là khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, năng suất có thể đạt từ 65 - 90 tạ/ha, cao hơn Khang dân 18 từ 15 - 20%; hàm lượng Amylose tương tự Khang dân 18, Q5 (trên 29%) nhưng chất lượng gạo ngon hơn…

 

Hiệu quả kinh tế, theo hạch toán sơ bộ từ mô hình trình diễn tại Thanh Hóa cho thấy, SHPT3 cho lãi ròng 22.420.000 đồng/ha, chênh lệch so với Khang dân 18 là 12.340.000 đồng/ha.

 


Số lượt đọc: 1501 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác