Bệnh khảm lá sắn hoành hành: Đâu là giải pháp?
29/10/2018

Mặc dù biết là bệnh khảm lá sắn đang gây hại trên diện rộng, đặc biệt gần như giống sắn nào cũng mẫn cảm với bệnh do virus này, thế nhưng hiện do giá sắn tăng cao, nên nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo mà tiếp tục trồng mở rộng diện tích.

'Chung sống hòa bình'

Tây Ninh được cho là nơi xuất hiện bệnh khảm lá sắn đầu tiên từ tháng 7 năm ngoái. Hơn một năm qua, dù ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp phòng, chống nhưng đến nay dịch bệnh vẫn hoành hành và lan rộng ra nhiều địa phương khác.

Đáng nói, hiện giá củ sắn (mì) tươi tăng đến 3.500 đồng/kg, nếu 1 ha sắn bị bệnh khảm lá chưa đến mức nghiêm trọng vẫn cho năng suất khoảng 30 tấn (thay vì bình quân 40 - 50 tấn), bán được khoảng 100 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, người nông dân vẫn còn lãi trên 40 triệu đồng/ha. Với mức này, rõ ràng cao gấp 2 - 3 lần so trồng mía và cao su (giá mía nguyên liệu đang ở mức 800 - 850 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường; cao su khoảng 30 - 31 triệu đồng/tấn mủ-PV).

Thế nên, theo Sở NN-PTNT tỉnh, đến cuối tháng 10/2018, diện tích cây sắn đã lên đến trên 50 ngàn ha, tăng 5,4% so với cùng kỳ, nhưng diện tích nhiễm bệnh chiếm phân nửa gần 26 ngàn ha, đặc biệt trong đó tỷ lệ nhiễm từ 30 - 70% là 8.000 ha và trên 70% lên tới gần 4.000 ha. Vì diện tích do bệnh khảm lá gây hại khá lớn và hầu hết người trồng sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh, nên năng suất giảm khá cao, khoảng từ 30 - 50%, tức sản lượng giảm mất gần phân nửa!

Cũng theo Sở NN-PTNT, mặc dù ngành khuyến cáo, nông dân nên cắt vụ chuyển đổi sang cây trồng khác, không nên tiếp tục tái canh cây sắn. Tuy nhiên, do thiếu vốn để chuyển đổi, không ít  hộ vẫn tiếp tục trồng và chấp nhận thực tế, nếu trước đây khi chưa có dịch bệnh, 1 ha thu hoạch có thể hơn 50 tấn, còn nay mì bị nhiễm bệnh, chỉ cho sản lượng hơn 30 tấn vẫn tồn tại được.

Ông Lê Văn Thế, nông dân xã Tân Bình, huyện Tân Châu đang trồng 40 ha sắn thừa nhận, dịch bệnh khảm lá đã khiến không ít nông dân khốn khổ bởi năng suất, sản lượng giảm.

“Gia đình tôi sau 2 mùa sắn đều bị bệnh khảm lá, đến lúc này không còn cách nào khác là phải “sống chung với lũ”. Bởi, nếu 1 ha bị bệnh khảm lá cho năng suất 30 tấn vẫn bán được 100 triệu đồng nên bà con chúng tôi vẫn chọn cây sắn, chứ không chọn cây trồng khác.

 

“Con người chính là tác nhân phát tán bệnh khảm lá sắn nhanh và xa nhất, tuy nhiên việc chế tài xử phạt về hành vi cố ý vận chuyển vật liệu bệnh sang vùng sạch lại chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, ở các địa phương khác cách xa Tây Ninh hàng trăm cây số cũng xuất hiện nhanh chóng bệnh khảm lá thì có thể khẳng định là do việc vận chuyển hom giống nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, còn thiếu kinh phí cho công tác dập dịch; kinh phí đền bù quá thấp nên người dân bị thiệt hại về kinh tế quá lớn nếu tiêu huỷ diện tích nhiễm bệnh; nhất là thiếu kinh phí để thực hiện việc kiểm dịch thực vật nội địa như nghiêm cấm mang vật liệu từ vùng bệnh sang vùng sạch", TS Nguyễn Anh Vũ, Viện Di truyền Nông nghiệp.

 

Vì vậy, biện pháp tốt nhất là tìm mua cây giống ở những địa phương chưa bị bệnh, hoặc chọn những giống sắn dù khi trồng vẫn nhiễm bệnh nhưng cho năng suất cao. Đặc biệt, trong 1 vụ trồng nhiều loại giống khác nhau. Hiện, tôi đang trồng 5 loại giống sắn trên diện tích 40 ha”, ông Thế chia sẻ.  

Giá cao không bền vững

Cũng theo ông Thế, bằng kinh nghiệm của mình, ông cho rằng hiện ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, nên “tự cứu lấy mình” bằng cách, ngoài việc chọn giống phù hợp, cách lên liếp cho từng loại giống sắn cũng như quá trình chăm sóc, bón phân cho từng giống phải khác nhau. Có như vậy, dù bị bệnh khảm lá nhưng vẫn cho năng suất cao hơn. Ðiều đó lý giải vì sao cùng chung một khu vực đất, hai ruộng sắn gần nhau mà trồng cùng một giống, nhưng một ruộng có năng suất 30 tấn/ha, ruộng còn lại chỉ khoảng 20 tấn/ha.

Còn bà Trần Thị Tám, ấp Đông Lợi, xã Tân Đông, huyện Tân Châu đang trồng 20 ha sắn cho biết, bà con nông dân trồng sắn vẫn có lãi giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành, thì phải nhìn nhận thực tế là do dịch bệnh mà dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu nên giá sắn mới đẩy lên cao.

“Tuy nhiên, theo tôi giá cao như vậy là không bền vững, không căn cơ. Trước mắt mừng nhưng vẫn còn lo. Bởi không biết sắp tới giá sắn có giữ cao liên tục như vậy hay không?”, bà Tám trăn trở

Trước đó, Sở NN-PTNT cùng Sở KH-CN Tây Ninh phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật và Khoa Nông học (ĐH Nông lâm TPHCM) triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá mì ở Tây Ninh” từ tháng 4 năm nay với thời gian 36 tháng.

Ðề tài đã triển khai thực hiện một số nội dung cơ bản như: Quy luật diễn biến bệnh khảm lá mì và tác hại của bệnh đến năng suất, chất lượng của các giống mì trồng phổ biến trong điều kiện đồng ruộng; xác định phương thức lan truyền bệnh; xác định quy luật phát sinh, phát triển và gây hại của loại bọ phấn trắng là côn trùng truyền bệnh.

Theo ông Võ Đức Trong (GĐ Sở NN-PTNT), thời gian tới ngành sẽ yêu cầu nông dân cam kết không sử dụng cây sắn trên ruộng để làm giống, đồng thời tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền để họ nhận thức rõ mục tiêu chống dịch, sự ảnh hưởng và tác hại lâu dài của bệnh, tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động để bảo vệ vùng nguyên liệu. Sau nữa, tăng cường kiểm tra, giám sát các ruộng bị bệnh khảm lá, tiêu huỷ cây sắn và tàn dư sau thu hoạch.

"Đối với nguồn cung cấp giống thì ngành tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh tìm mua nguồn giống sạch bệnh từ tỉnh chưa có dịch, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy để cung cấp cho nông dân. Vào đầu vụ sản xuất, chính quyền các huyện, xã cam kết tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các điểm mua bán cây giống không rõ nguồn gốc trên địa bàn mình quản lý...", ông Võ Đức Trong.


Số lượt đọc: 1265 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác