Trong “bão giá” lợn vừa qua, các loại cá, gia cầm, thuỷ cầm đều bị xuống giá, riêng lợn rừng và ba ba không xuống giá. Nhờ vậy gia đình anh Đương vẫn thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm từ 100 con lợn rừng và 200 con ba ba xanh.
Anh Trần Văn Đương ở thôn Hạ Cát, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, Hưng Yên cho biết, quê anh đất chật người đông, cấy lúa chỉ đủ thóc ăn và trừ các khoản chi phí đầu tư canh tác, nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thì không có lãi, chăn nuôi quy mô lớn, không có vốn đầu tư...
Đang loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con nào để đạt hiệu quả cao, thì anh Đương được người thân ở tỉnh Bắc Ninh tư vấn nên nuôi lợn rừng. Bởi nuôi không cần vốn đầu tư lớn (1 triệu đồng/1 lợn giống, trọng lượng 10kg/con), tốn ít công lao động, thức ăn cho lợn đơn giản (chủ yếu tận dụng các chất hữu cơ thô xanh sẵn có trong làng, xã, như bèo tây, cuống rau, thân chuối tây...) và giá bán khá ổn định, khoảng 80 - 100 nghìn/kg lợn hơi xuất chuồng, tuỳ thời điểm. Đặc biệt hiệu quả chăn nuôi lợn rừng luôn đạt rất cao, thu nhập có thể đạt 40 - 50% doanh thu/đầu lợn.
Nhận thấy chăn nuôi lợn rừng rất phù hợp với các gia đình thuần nông, anh Đương đã quyết định, dành toàn số tiền tích cóp bấy lâu, mua 11 con lợn rừng giống (10 cái, 1 đực). Kết quả, sau nuôi 12 tháng đã đạt trọng lượng 30 - 50kg mỗi con, bắt đầu cho sinh sản. Toàn bộ số lợn con sinh ra sau mỗi lứa, anh Đương đều chuyển sang chăn nuôi thương phẩm. Nhờ vậy, từ 5 - 6 năm nay, gia đình anh Đương luôn có lãi 120 triệu đồng/năm, từ chăn nuôi thường xuyên hơn 100 lợn rừng nhân ra từ đàn lợn bố mẹ ban đầu.
Theo anh Đương, bản chất của lợn rừng là động vật hoang dã, có khả năng chống chịu dịch bệnh rất tốt, nên trong quá trình chăn nuôi cần tạo môi trường sinh sống cho lợn gần với tự nhiên, như trại nuôi làm đơn giản, nhưng phải kiên cố để tránh bị lợn cày phá, có sân chơi cho lợn dãi nắng, dầm mưa. Lợn nhỏ dưới 10kg cần nuôi nhốt chuồng, ngoài 10kg trở ra mới thả ra ngoài trời cho đào xới, bới ủi. Phải có tường bao hoặc rào ngăn để quản lý đàn lợn, tránh thất thoát. Chủ động vacxin phòng ngừa sớm các bệnh tụ huyết trùng và phó thương hàn cho đàn lợn.
Để tăng hiệu quả chăn nuôi lợn rừng, nên trộn thêm 7 - 10% cám ngô/cám gạo vào thức ăn thô xanh cho lợn (tính theo khối lượng). Lợn rừng cũng giống như lợn nhà, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 7 - 10 con. Nhưng lợn rừng càng nuôi lâu càng tăng trọng chậm. Nuôi 1 năm có thể đạt 20 - 50kg/con, nuôi 3 - 4 năm cũng chỉ đạt trên dưới 100kg/con.
Anh Đương lưu ý, để bán được lợn rừng với giá cao, người chăn nuôi nên kết nối trực tiếp với các hàng ăn đặc sản ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Hoặc điều chỉnh kế hoạch chăn nuôi, để có lợn xuất bán trùng vào các ngày lễ tết.
Nhờ chăn nuôi lợn rừng, anh Đương đã có vốn mở rộng nuôi được hơn con 500 ba ba xanh. Cuối năm 2017, gia đình anh bán được trên 300kg ba ba thịt các loại. Doanh thu 900 triệu đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư còn “bỏ ống” 350 triệu. Hiện gia đình anh Đương vẫn đang nuôi gối vụ 200 con ba ba thương phẩm. Dự kiến đến hết năm sẽ cho thu hoạch. Lợi nhuận chắc chắn bằng cùng năm trước – anh Đương khẳng định.
Tìm hiểu thực tế chúng tối biết, ba ba xanh không có giá bằng ba ba đỏ và ba ba gai, nhưng sản phẩm dễ bán, do phù hợp túi tiền của những người có thu nhập trung bình. Ngoài ra, ba ba xanh cũng dễ nuôi hơn, vốn đầu tư thấp, thức ăn chủ yếu là cá tạp, dễ kiếm trên địa bàn sở tại. Ba ba gai, ba ba đỏ chủ yếu ăn các loài nhuyễn thể (ốc các loại), không sẵn có ở địa phương và phụ cận. |
- Bản Mông nuôi trâu, bò mộng (18/06/2020)
- Kỹ sư điện nuôi heo (18/06/2020)
- Chăn nuôi bò ít rủi ro, không lo bệnh (18/06/2020)
- Chàng trai tật nguyền làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp (18/06/2020)
- Tái đàn lợn còn vướng nhiều khó khăn (18/06/2020)
- Hết nghèo nhờ vỗ béo bò u (18/06/2020)
- Làm tươi máu đàn trâu (18/06/2020)
- Nuôi loài vật 'ăn tre đẻ ra tiền' (18/06/2020)
- Gà ta Bình Định rộng đường xuất khẩu (18/06/2020)
- Người đàn ông nuôi giun chăn gà ở Quảng Ninh (08/06/2020)