Tưới tiết kiệm, lợi đôi bề
06/06/2019

Trong bối cảnh chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, vụ hè thu 2019 khu vực Nam Trung bộ nắng nóng kéo dài, dẫn tới lượng nước tưới cho SXNN bị thiếu hụt. Do đó, tưới tiết kiệm cho cây trồng là giải pháp cấp bách...

Phương pháp quản lý bền vững nước tưới và dinh dưỡng đối với cây xoài và lạc trên đất cát, được Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (viết tắt là Viện KHKTNN DHNTB) phối hợp với Trường Đại học Murdoch (Úc) giới thiệu, đã giúp nông dân tiếp cận với công nghệ vừa quản lý nước tưới vừa giúp cây trồng tăng năng suất và hạn chế được bệnh hại.

Theo Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN DHNTB, cây lạc và xoài cho hiệu quả kinh tế cao đối với nông dân trong khu vực Nam Trung bộ. Do đó, 2 loại cây này được trồng nhiều ở các tỉnh trong khu vực, trong đó cây xoài có hơn 13.000ha, sản lượng đạt gần 73.800 tấn/năm và diện tích trồng lạc đạt đến 170.000ha/vụ.

Từ trước đến nay, nông dân trong khu vực có thói quen tưới tràn cho cây xoài và tưới phun mưa cho cây lạc. Đây là những phương pháp tưới không kiểm soát được lượng nước, gây phung phí lớn nguồn tài nguyên nước, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh phát sinh gây hại và kìm hãm năng suất của cây trồng.

“Phương pháp quản lý bền vững nước tưới hướng nông dân thực hiện tưới “4 đúng”, tựa như phương pháp sử dụng thuốc BVTV hiện nay. Thứ nhất là tưới đúng chỗ, hai là tưới đúng thời điểm cây trồng “đói” nước, ba là tưới đúng lượng nước cây trồng cần và cuối cùng là tưới đúng phương pháp.

Để thực hiện quy trình tưới kể trên, nông dân cần phải sử dụng đến chảo bốc thoát hơi nước (mini pan) để xác định lịch trình tưới cho cây trồng”, TS Hồ Huy Cường cho hay.

Cũng theo TS Cường, mini pan là một chảo bốc thoát hơi nước có đường kính 60 - 80cm, được dùng để xác định thời điểm tưới thích hợp cho cây trồng đồng thời dựa vào loại đất, độ sâu của tầng rễ hoạt động để xác định liều lượng nước tưới hợp lý.

“Sau khi xác định được lượng bốc thoát hơi nước trong mini pan, cơ quan chuyên môn có thể thiết kế 1 bảng tưới chính xác, nông dân chỉ cần nhìn vào bảng tưới đó và cứ thế thực hiện. Bảng tưới phân chia cụ thể từng thời kỳ phát triển của cây trồng để xác định thời điểm tưới.

Ví như đối với cây lạc, vào thời điểm cây con thì ít cần nước hơn, nên khi mực nước trong chảo bốc thoát hơi nước giảm xuống mức 5mm thì đó là lúc cây cần tưới nước; giai đoạn cây lạc phân cành, tạo quả, cần nước nhiều hơn thì khi thấy nước trong chảo giảm xuống 3mm đó là lúc phải tưới.

Nếu sử dụng máy bơm có công suất 1 ngựa thì tưới nửa giờ đồng hồ, nếu là máy 1 ngựa rưỡi thì tưới 17 – 18 phút. Đối với cây xoài, cũng căn cứ vào chảo bốc thoát hơi nước, ngành chuyên môn có thể thiết kế hệ thống tự động tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, 1 ngày tưới bao nhiêu lần, 1 lần bao nhiêu phút”, TS Cường diễn giải.

Thực tế qua ứng dụng phương pháp tưới căn cứ vào chảo bốc thoát hơi nước cho thấy lượng nước tưới sẽ được giảm 50% so với phương pháp tưới tràn đối cây xoài và giảm 30% đối với cây lạc so với phương pháp tưới phun mưa trước đây. Thêm vào đó, công lao động trong việc tưới cho cây trồng cũng được giảm đáng kể, đặc biệt là năng suất cây trồng sẽ được tăng cao.

“Khi cây trồng được cung cấp đủ lượng nước tại giai đoạn cần nước thì năng suất sẽ tăng từ 10 – 30%. Thêm vào đó, khi tiết kiệm được lượng nước tưới thì nông dân có thể tăng thêm diện tích trồng. Ví như trước đây tưới theo phương pháp tưới tràn, lượng nước khai thác được trong vùng chỉ tưới được 1ha xoài thì khi đã tiết kiệm được 50% lượng nước tưới thì số nước tiết kiệm được này sẽ tưới thêm được 1ha nữa, đồng nghĩa sản lượng sẽ tăng theo”, TS Hồ Huy Cường phân tích.


Số lượt đọc: 944 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác