Tiếp sức cho hộ chăn nuôi nhỏ tái đàn
14/05/2020


Tái đàn, tăng đàn lợn là giải pháp giảm mạnh giá thịt lợn trên thị trường. Ngoài khu vực chăn nuôi lớn, cần đẩy mạnh tái đàn ở cả các hộ chăn nuôi nhỏ.

Thiếu vốn, giống

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến thời điểm này, có hơn 90% số xã ở nước ta đã trải qua ít nhất là 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Như vậy, điều kiện để tái đàn đang rất tốt.

Tuy nhiên, tình hình tái đàn trên cả nước nhìn chung còn chậm. Nguyên nhân trước hết là do một số địa phương vẫn e ngại chuyện tái đàn, khi cho rằng cứ tái đàn là sẽ đi đôi với tái dịch. Khi ấy, sẽ lại phát sinh thêm nhiều chi phí, công sức để xử lý dịch bệnh.

Thiếu vốn để tái dàn cũng là vấn đề lớn đối với người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, bởi họ đã bị kiệt quệ về tài chính, thậm chí vẫn đang còn nợ ngân hàng chưa thể trả được do bị thiệt hại nặng nề vì dịch tả lợn châu Phi.

Giá con giống lên quá cao, phần do một lượng lớn lợn nái bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây thiếu hụt nguồn giống, phần do giá giống cũng tăng theo giá lợn hơi trên thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, trước đây, giá 1 con lợn giống, lúc cao nhất cũng chỉ 1,6-1,7 triệu đồng/con, nay lên tới bình quân 2,5 triệu đồng/con. Một hộ nuôi nhỏ, mua 10 con giống, đã phải bỏ ra tới 25 triệu đồng. Một hộ nuôi vừa, mua 100 con giống, là hết ngay 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để ổn định nguồn cung, giảm được giá thịt lợn trên thị trường, không có còn đường nào khác là phải tái đàn. Đây là biện pháp quan trọng nhất, các biện pháp khác chỉ là hỗ trợ. Thịt lợn vẫn đang chiếm 60-70% tỷ trọng trong việc sử dụng thịt của người Việt, vì thế, không thể không tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn.

Chính vì vậy, các địa phương phải thấy trách nhiệm của mình với việc tái đàn để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên địa bàn và trên cả nước. Các địa phương phải thực sự vào cuộc thì mới giải quyết được vấn đề tài chính, tín dụng, mặt bằng… cho người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, tăng đàn.

Hiện nay, Luật Chăn nuôi đã được triển khai thực hiện. Theo đó, chăn nuôi bây giờ là chăn nuôi có điều kiện, một trang trại phải đảm các quy định không chỉ an toàn dịch bệnh mà cả an toàn cho môi trường sống của con người.

Chúng ta đã xây dựng được quy trình chăn nuôi cho tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi để giảm thiểu rủi ro. Do đó, nếu các địa phương mạnh dạn đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn theo quy trình chăn nuôi đã xây dựng và tuân thủ tốt Luật Chăn nuôi, thì sẽ giảm thiểu được rủi ro, tái đàn thành công.


Số lượt đọc: 626 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác