'Đại gia' trồng cỏ nuôi hươu
14/05/2020

Sinh ra và lớn lên cùng đồng rừng, từ nhỏ Phạm Văn Kiên đã nuôi dưỡng ước mơ tạo dựng được một khu rừng có con người, muông thú và cây cỏ chung sống...

Giấc mơ đó đang dần thành hiện thực với trang trại hơn 2,5 ha tại xóm Dọc Cọ, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nuôi đàn hươu sao gần 100 con.

Đam mê

Học hết lớp 12, hăm hở vào đời với biết bao hoài bão, trải qua nhiều nghề kiếm sống, anh Phạm Văn Kiên (sinh năm 1978 ở xã Cổ Lũng) đã trụ vững với nghề kinh doanh vận tải, trở thành một tỷ phú trẻ. Danh tiếng của anh còn được biết đến với vai trò một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở làng quê xứ núi này.

Đón cây cỏ voi mập mạp từ tay người chủ trang trại, chúng tôi tiến đến gần đàn hươu. Vốn được cho là loài thú nhút nhát, song đàn hươu của anh Kiên rất dạn người, chúng sán đến gần chúng tôi - những người khách lạ - hiền lành và thân thiện ăn lá cây trên tay khách, mặc cho khách tha hồ sờ đầu, sờ lưng chúng.

Anh Kiên tự hào kể, trước khi có đàn hươu này, anh đã đầu tư nuôi nhiều loại thú rừng khác như: nhím, chồn, cày vòi...

Anh từng nuôi đàn lợn rừng đến vài ba trăm con nhưng rồi mất trắng vì dịch. Nuôi các con đặc sản không chỉ vì giá trị kinh tế cao, mà bởi từ nhỏ đã được chơi đùa với các loài thú trong rừng, anh rất yêu thích chúng.

Vốn đã nhiều lần "trả giá đắt" trong công việc làm ăn, khi nung nấu ý định đầu tư làm trang trại, anh Kiên dành thời gian đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình nuôi động vật bán hoang dã trong và ngoài tỉnh.

Nhận thấy hiệu quả từ việc nuôi hươu sao lấy nhung và bán hươu giống, anh Kiên đã dồn vốn liếng, đầu tư 5 tỷ đồng vào xây dựng chuồng trại và mua hươu giống.

Đầu tư

Với diện tích nông nghiệp 2,5 ha sẵn có của gia đình, anh Kiên quy hoạch xây dựng khu nuôi nhốt, chăn thả, khu trồng cỏ, khu trồng các loại cây lâu năm lấy lá. Chỉ tính riêng các loại mít, xoan, dâu da xoan, sung đã tới gần nghìn cây. Trong đó cây xoan không chỉ là thức ăn mà còn được sử dụng làm thuốc tẩy giun sán.

Với đàn hươu gần 100 con to nhỏ các loại, trong đó trên 70 con hươu cái đẻ, gần chục hươu đực để lấy nhung và hàng chục hươu con, gia đình anh đã thuê 5 lao động thường xuyên quét dọn chuồng trại và chăm sóc đàn hươu.

Chỉ vết sẹo ngay mi mắt trên khuôn mặt điển trai, anh Kiên kể về "tai nạn nghề nghiệp" khi chơi đùa với đàn hươu đã bị một con hươu đực tặng cho ông chủ cú húc "suýt thì mù", phải đi viện khâu 4 mũi.

Anh Phạm Văn Kiên tâm sự, nuôi hươu để lấy nhung là công việc rất bình thường, nhung hươu rất cần cho nhiều người nhất là người bệnh, người già cần tăng cường sức khỏe, đối với người kinh doanh thì đây là một nguồn thu quan trọng, song mỗi lần phải cắt nhung hươu anh thấy rất không thoải mái.

Chính vì vậy, anh đã dành nhiều công sức để thiết kế và đặt làm chiếc máy cắt nhung hươu trị giá cả trăm triệu đồng, chỉ cốt để không phải dùng bạo lực với hươu và hươu không bị đau khi cắt nhung.

Anh Kiên tính toán, nuôi hươu đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nhưng lại cho thu hồi vốn rất nhanh, ít rủi ro. Vì hươu chỉ ăn các loại cỏ, lá cây nên để nuôi 20 con hươu thì mỗi ngày chỉ cần 2 giờ đồng hồ đi kiếm cỏ, lá là đủ.

Cần chú ý tăng khẩu phần nhất là thời gia hươu mọc nhung mới, thêm chuối, ngô, cà rốt…vào khẩu phần ăn  để nhung đạt trọng lượng, chất lượng cao hơn.

Hươu cái 2 tuổi thì bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ một lứa, hươu con 5 tháng tuổi được xuất bán. Hươu đực 2 tuổi bắt đầu cho nhung, mỗi năm cắt nhung 1 lần vào đầu mùa xuân, thông thường một lần cắt được từ 0,5-0,7kg, cho thu từ 10-15 triệu đồng.

Hươu càng già thì nhung càng to. Năm 2019, đàn hươu đã "nộp" về cho ông chủ trên 600 triệu đồng lãi ròng.

Dân xóm Dọc Cọ đều rất yêu thích đàn hươu sao, 5 lao động được thuê mướn được đảm bảo thu nhập ổn định 5 triệu đồng/ tháng đều là hộ nghèo trong và ngoài xóm nên họ càng gắn bó với đàn hươu và trang trại. Một số hộ đã tìm gặp ông chủ để tìm hiểu việc nuôi hươu và mua con giống.

 

Kế hoạch của ông chủ trẻ là sẽ mở rộng quy mô đàn hươu lên khoảng 300 con, đồng thời liên kết các hộ vệ tinh trong xóm, trong xã để bà con cùng tham gia sản xuất chăn nuôi hươu có nguồn thu nhập ổn định để cùng phát triển kinh tế.

 


Số lượt đọc: 572 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác