Làm cách nào để quả mít nhanh chín?
08/06/2020


Gần đây trên mạng, sau câu hỏi của một người dân, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp về các biện pháp để làm cho quả mít mau chín.

Các ý kiến rất cụ thể về từng cách xử lý. Mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau nhưng đều mang lại kết quả là làm cho quả mít sẽ mau chín.

Tôi học được nhiều kinh nghiệm của bà con. Tuy nhiên, ít ai nói tới cơ chế chín của quả mít. Có lẽ, ta nên hiểu sâu hơn để tự đánh giá biện pháp của mình cho phù hợp với cơ chế khoa học.

Để làm rõ hơn việc này, xin cho phép tôi được hầu chuyện bà con. Việc chín của trái cây là một quá trình sinh lý – sinh hóa diễn ra trong cây. Sau khi quả đã tích lũy đủ chất, nó sẽ tiến hành bước tiếp theo là chuyển hóa chất bột thành chất đường, tức là quá trình chín của quả.

Để làm được khâu này, trong cây sẽ tiến hành việc tổng hợp nên chất êtylen (êtylen là kích thích tố sinh trưởng thực vật duy nhất ở dạng khí). Chất này có tác dụng xúc tác cho quá trình hô hấp để biến chất bột thành chất đường.

Quá trình đó diễn ra trong cây. Có loại cây việc đó được tiến hành rất nhanh. Nhưng cũng có những loại cây, êtylen được tổng hợp từ từ. Vì vậy, người ta nghĩ ra rất nhiều cách để lượng êtylen được tăng nhanh hơn, làm cho quả mau chín.

Có lẽ, các biện pháp khác nhau mà bà con mình đã nêu ra đều dẫn tới việc tăng quá trình hô hấp ở cây để tạo ra nhiều êtylen. Do đó, mỗi nơi có một cách khác nhau.

Tuy bà con không giải thích kỹ càng nhưng bản chất các biện pháp ấy đều dẫn đến việc làm tăng quá trình hô hấp trong cây, thúc đẩy việc biến chất bột thành chất đường (tức  là quá trình chín ở quả).

GS.TS Nguyễn Quang Thạch – Chủ tịch Hội Sinh lý học thực vật Việt Nam đã viết hẳn một cuốn sách giới thiệu về tác động của chất êtylen tới quá trình chín ở cây do NXB Nông nghiệp phát hành.

Trong dân gian, nhiều kinh nghiệm cũng cho thấy, êtylen tác động rõ rệt tới quá trình chín của quả. Ví dụ: Ta để quả xanh vào bồ. Sau đó đưa một ít đất đèn vào một cái chén và nhỏ nước vào đấy.

Đặt cái chén đó vào giữa bồ rồi đậy kín bồ lại. Đất đèn gặp nước sẽ phát sinh phản ứng để tạo ra êtylen. Chính lượng êtylen này sẽ giúp quả mau chín.

Cũng có nơi để quả vào thúng hoặc bồ rồi nhồi vào đó những nắm lá nhãn hoặc lá vải và lại đậy kín lại. Ta biết rằng, lá nhãn hay lá vải có cường độ hô hấp mạnh. Nó mau chóng làm tăng nhiệt độ ở trong đó lên.

Khi nhiệt độ lên cao sẽ đẩy quá trình hô hấp ở các quả trong đó mạnh hơn, sinh ra nhiều chất êtylen hơn, làm cho quả mau chín.

Các cụ ta có câu: “Mít chạm cành, chanh chạm rễ”. Việc bằm vào thân cây (ở mít) hay làm đứt bớt rễ (ở cây chanh) cũng dẫn tới việc thúc đẩy quá trình hô hấp. Do đó, êtylen được tăng lên và quả trên cây cũng mau chín hơn.

Nếu ta có một buồng chuối ở trên cây mà còn xanh nhưng lại muốn nó chín ngay thì bà con có thể làm như sau: Ta nhìn xem ở phía nào không có các nhánh chuối con mọc lên thì ta đào sâu xuống, cắt hết rễ từ củ chuối mọc ra sau đó, dùng vôi bột và xoa vào củ chuối.

Chỉ vài ngày sau, cả buồng chuối đó sẽ chín. Nó chín là vì vôi bột đã làm tăng quá trình hô hấp cho cây, êtylen được sinh ra nhiều và nó thúc đẩy quá trình biến bột thành đường. Quả chuối thậm chí mới bằng ngón tay út nhưng cũng chín hết…

Các nhà khoa học trên thế giới còn tổng hợp nên một số chất để dễ dàng sinh ra êtylen. Điển hình là chất ethrel (hay còn gọi là ethapol). Chất này khi bôi vào quả nó sẽ phát sinh phản ứng để tạo ra êtylen. Các chất còn lại sẽ bay đi. Vì vậy, nó không gây độc cho quả mà vẫn làm cho quả mau chín …

Các biện pháp mà bà con đã nêu ra chắc rằng đều dẫn đến việc tăng quá trình hô hấp trong cây và làm tăng lượng êtylen. Quả sẽ chín nhanh hơn.

Thật tuyệt vời khi thấy trên mạng bà con mình luôn sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau các kinh nghiệm làm ăn. Mong rằng, việc nghĩa này sẽ ngày một sôi nổi và phong phú hơn.


Số lượt đọc: 1277 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác