Cà phê là cây trồng chủ lực của người dân Tây Nguyên, hiện nay nhiều vườn cà phê bị sâu bệnh tấn công và cần có giải pháp phòng trừ một cách khoa học.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích cà phê cả nước đến hết năm 2019 là 662,3 nghìn ha, giảm 26,1 nghìn ha. Trong đó, diện tích cà phê chủ yếu tập trung tại vùng Tây Nguyên với diện tích là 627,4 nghìn ha, chiếm 91,0% diện tích của cả nước; năng suất bình quân 27,3 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng đạt 1,552 triệu tấn cà phê nhân, tăng 40 nghìn tấn so với năm 2018. Hiện nay, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí thứ nhất của các tỉnh vùng Tây Nguyên.
TS Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết: Hiện nay diện tích cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đang dần ổn định, đi kèm theo đó là các biện pháp thâm canh ngày càng cao. Đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh hại.
Các loại sâu bệnh hại cây cà phê phổ biến gồm các loại rệp sáp, rệp vảy, sâu đục thân cành, mọt đục quả, bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành và khô quả, đặc biệt là tuyến trùng gây bệnh vàng lá thối rễ cà phê. Những loại dịch hại trên hàng năm xuất hiện và gây hại hàng trăm ngàn ha cà phê vùng trồng chính ở Tây Nguyên làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng cà phê.
Theo TS Nguyễn Xuân Hòa, trong các loại bệnh trên cây cà phê thì ba loại sâu hại và ba loại bệnh hại quan trọng nhất và gây hại nhiều nhất là rệp sáp, mọt đục cành và rệp vảy xanh, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh khô cành khô quả và bệnh nấm hồng. Tỷ lệ số vườn bị hại rất cao tại các vùng được WASI khảo sát ở Tây Nguyên và số vườn bị hại hầu hết ở mức từ nhẹ đến trung bình.
Trong khi đó việc kiểm tra theo dõi của người nông dân chưa kịp thời, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại còn chưa đúng, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức đã làm cho năng suất, chất lượng cà phê không ổn định, giá thành sản xuất cao, môi trường sản xuất bị suy thoái, hiệu quả kinh tế và xã hội trong sản xuất cà phê chưa cao.
Tuy đã có những khuyến cáo của các cơ quan khoa học và ngành nông nghiệp các địa phương về việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh hại song nhiều nông dân, đơn vị sản xuất cà phê vẫn có xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo quy tắc 4 đúng nên hiệu quả kỹ thuật không cao, có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường và gây hại cho người sử dụng.
Theo TS Nguyễn Xuân Hòa, giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên đồng ruộng nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cần được người nông dân chú ý áp dụng để sản xuất cà phê bền vững. Việc không dựa vào thuốc hóa học trong quản lý sâu bệnh hại tiến tới cách tiếp cận tổng hợp sử dụng nhiều phương pháp trong sản xuất và canh tác cà phê, sự hiểu biết về sinh học và sinh thái học của sâu hại và nguồn bệnh là rất cần thiết.
TS Nguyễn Xuân Hòa cho biết. Trong giai đoạn đầu mùa khô và sau khi thu hoạch là thời điểm thể hiện triệu chứng bệnh vàng lá thố rễ cà phê do tuyến trùng và nấm kết hợp gây hại rõ nhất, và đây cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện rệp sáp hại quả cà phê. Chính vì vậy ở giai đoạn này người nông dân cần thăm vườn thường xuyên, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh hại này và áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để quản lý chúng một cách có hiệu quả.
Cơ sở sử dụng quản lý dịch hại tổng hợp cho cà phê: Người nông dân bắt đầu bằng quản lý vườn ươm cây giống cẩn thận; Bảo đảm chọn lựa nơi phù hợp để trồng cà phê; Trồng những cây giống cà phê khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh hại; Thực hiện quản lý đất và dinh dưỡng hợp lý; Tủ gốc nhất là khi cây còn nhỏ; Trồng cà phê tránh quá râm và cắt tỉa cành khi được yêu cầu; Quản lý vườn cây để khuyến khích những côn trùng có lợi, giữ thảm thực vật cây trồng đa dạng trên vườn; Thực hiện các biện pháp vệ sinh đồng ruộng thích hợp; Kiểm tra và theo dõi hàng tuần đối với sâu bệnh hại; Chỉ dùng thuốc trừ sâu chỉ khi có sự gây hại lớn hơn ngưỡng gây hại kinh tế. Nếu có thể, phun thuốc cục bộ trong trường hợp đầu tiên.
Các nguyên tắc cơ bản để quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cà phê: Chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt bằng cách áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt (GAP): Sử dụng giống tốt; tạo hình tỉa cành để cây thông thoáng; quản lý cây che bóng, chắn gió trên vườn; bón phân cân đối và hợp lý; tưới nước đầy đủ; tủ gốc vào mùa khô; quản lý cỏ dại; quản lý đất…
Phát hiện kịp thời dịch hại trên đồng ruộng: Kiểm tra thường xuyên vườn cây, phân tích và xác định mức độ nhiễm dịch hại vào các giai đoạn thời tiết có nguy cơ ảnh hưởng đến sâu bệnh hại phát triển.
Sử dụng thiên địch, vi sinh vật có ích như bọ rùa đỏ, bọ mắt vàng, nhện… duy trì môi trường thuận lợi cho sự phát triển của chúng; sử dụng các loại thuốc sinh học.
Loại trừ các đối tượng dịch hại bằng các biện pháp: cắt, nhổ bỏ, tiêu hủy các bộ phận hoặc cây bị sâu bệnh hại nặng; tiêu diệt bằng tay các loại sâu hại với mật độ thấp; vệ sinh đồng ruộng.
TS Nguyễn Xuân Hòa: Những năm trước đây, việc người dân sử dụng quá ngưỡng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng ô nhiễm, chất lượng sản phẩm nông nghiệp giảm, nguồn bệnh tích lũy. Muốn lập lại cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác hại của sâu bệnh, cần có một biện pháp lâu dài và tổng hợp. Và IPM là một mô hình đã và đang được áp dụng tại Việt Nam để quản lý dịch hại đối với cây cà phê trên cơ sở sinh thái học sẽ làm tăng năng suất, cải thiện phẩm chất, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm độc hại do sử dụng thuốc hóa học và giảm chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất cà phê.
- Đánh thức tiềm năng của đất (16/10/2017)
- . Rau sạch trên quê lúa từng bước mở rộng thị trường (05/10/2017)
- Mô hình nuôi heo bằng thức ăn sạch bước đầu thành công (02/08/2017)
- Tự làm nhà lưới thông minh sản xuất rau củ (24/07/2017)
- Ngạc nhiên về hiệu quả giải pháp xông khói diệt côn trùng (24/07/2017)
- 'Chữa bệnh' cho hồ tiêu (03/07/2017)
- Cùng nông dân bảo vệ môi trường (21/03/2017)
- Kỹ thuật trồng quất bon sai (20/03/2017)
- Dốc sức tiêu độc khử trùng (20/03/2017)
- Rau màu an toàn, hướng đi bền vững (20/03/2017)