Ban đầu khi những người dân quyết định chọn nuôi hươu sao để phát triển kinh tế thì có không ít hoài nghi về hiệu quả của mô hình chăn nuôi này.
Hướng đi mới của ngành chăn nuôi Thái Nguyên
Từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ hội viên (Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên), nhóm các hộ dân thuộc phường Châu Sơn (thành phố Sông Công) đã bàn bạc và thống nhất thành lập tổ hợp tác nuôi hươu sao lấy nhung.
Nhiều ý kiến dị nghị về quyết định cắc cớ ấy. Tại sao lại đưa con vật núi rừng về nuôi ở giữa thành phố công nghiệp? Rằng có rất nhiều loài có thể chăn nuôi sao không chọn mà lại đi chọn loài vật nuôi lạ như vậy?
Anh Dương Văn Kỳ (sinh năm 1985, tổ dân phố Sơn Tía, phường Châu Sơn) tham gia chương trình ngay từ đầu năm 2017.
Với nguồn vốn vay hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình anh mua được 2 con hươu. Cuối năm 2017, cả 2 con hươu nuôi đều cho thu hoạch nhung lần thứ 3 với trọng lượng nhung khoảng 1,1kg/2 cặp. Với giá bán hiện tại từ 1,8- 2 triệu đồng/lạng nhung, gia đình anh thu về trên 60 triệu đồng.
Thành quả chưa lớn nhưng đối với anh cũng như những hộ dân tham gia tổ hợp tác lại có ý nghĩa rất lớn. Anh Kỳ cho biết, chính vì mang danh ở giữa thành phố công nghiệp nên vùng đất bán sơn địa nửa rừng nửa phố trước nay chăn nuôi rất khó khăn. Chăn thả đại gia súc thì không có đồi bãi đủ rộng. Chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại thì không dành cho những hộ chăn nuôi tiềm lực kinh tế hạn hẹp.
Những con hươu sao lấy nhung bước đầu mang lại cho bà con niềm hy vọng vào một nghề mới. Hứa hẹn triển vọng, gia đình anh Kỳ đã mua thêm 3 con hươu sao nữa.
Vậy mà khi chuẩn bị bắt tay vào việc chăn nuôi hươu từ nguồn vốn vay, bản thân anh Kỳ cũng như những hộ dân khác đều rất lo lắng. Phần vì trách nhiệm trả nợ, phần vì chọn hướng đi quá mới. Tổ hợp tác đã thống nhất tìm hiểu kỹ lưỡng kỹ thuật chăn nuôi rồi mới bắt hươu về nuôi.
Theo đó, công việc chăm sóc hươu cũng khá đơn giản, cho hươu ăn 3 lần/ngày, ngoài ra việc vệ sinh chuồng trại cũng không cần thường xuyên, cứ khoảng 2 lần/tháng.
Tuy nhiên, điều đơn giản nhất mà ai cũng phải nắm được là phải xây dựng chuồng nuôi hươu đảm bảo đông ấm, hè mát. Hươu là loài chịu được nóng nhưng rất yếu chịu lạnh. Chính bởi vậy mà môi trường chăn nuôi phải đảm bảo để tránh tạo ẩm thấp, cũng không được quá nóng nực.
Với các điều kiện chăn nuôi được đảm bảo, đầu năm 2017, các thành viên lên Hữu Lũng (Lạng Sơn) để mua hươu. Mọi người đều dặn nhau, phải chọn những con hươu có lý lịch bố mẹ khỏe mạnh. Về đặc điểm cá thể, hươu được chọn mua phải khỏe mạnh, tai lúc nào cũng vểnh lên, mắt tinh sáng, lưng thẳng, bụng thon, tứ chi đồng đều, không dị tất, chạy nhảy nhanh nhẹn.
Phát triển một nghề mới
Nguồn vốn cho vay của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên được giải ngân cho mô hình nuôi hươu phường Châu Sơn là 500 triệu đồng. Ban đầu, chỉ có một vài hộ tham gia nhưng đến nay, tổng số hộ đã lên tới 20 hộ với trên 50 con hươu sao đang cho cắt nhung.
Anh Đào Văn Trung (xóm Tân Sơn) cho biết, gia đình anh nuôi 2 con hươu sao lấy nhung. Khi mới mua về, cả 2 con đều đã cho thu hoạch nhung. Thấp thỏm vậy nhưng qua quá trình nuôi, thấy hươu cũng là loài vật dễ nuôi. Thức ăn của chúng chủ yếu từ phụ phẩm nông nghiệp, lá cây, thân cây ngô...
Hơn nữa, hươu ít bị dịch bệnh nên chăm sóc đơn giản. Lần cắt nhung đầu tiên đã cho trọng lượng 2 cặp nhung xấp xỉ 1,4 kg. Kỷ niệm vụ bói nhung, lần thu hoạch đầu tiên anh Trung để lại một cặp nhung cho gia đình sử dụng. Cặp còn lại được bán với giá 14 triệu đồng.
Đến nay, hầu hết các hộ dân trong tổ hợp tác nuôi hươu sao lấy nhung của phường Châu Sơn đều rất rành rọt cách chăm sóc, tìm nguồn thức ăn cho hươu.
Để có thể thu hoạch được những cặp nhung to, nặng, hàm lượng dưỡng chất cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì thức ăn cung cấp cho hươu dù không quá cầu kỳ nhưng lại phải đảm bảo dinh dưỡng.
Hươu sử dụng 2 loại thức ăn chính là thức ăn xanh và thức ăn tinh. Anh Hoàng Văn Huy (tổ dân phố Sơn Tía, phường Châu Sơn) cho biết, nên cho hươu ăn nhiều thức ăn xanh vì phù hợp với tập tính của hươu trong tự nhiên. Nguồn thức ăn xanh gồm các loại cỏ, lá mía, cà rốt, lá ổi, lá mít, bèo...Thức ăn xanh phải rửa sạch và để ráo nước, tránh để hươu ăn thức ăn quá ướt hoặc nhiễm bẩn.
Thức ăn tinh cho hươu gồm cám gạo, bột ngô, bột sắn. Đặc biệt, không dùng cám tăng trọng, chất kích thích để nuôi hươu nếu muốn giá trị nhung tốt. Việc cho ăn cũng phải lưu ý là nên cho hươu ăn ít vào ban ngày và ăn nhiều vào chiều muộn hoặc tối. Đó chính là đặc tính của loài hươu khi ăn nhiều vào ban đêm.
Ông Nguyễn Tùng Lâm (tổ dân phố Vinh Quang 1, Phường Châu Sơn) cho biết, do có đầu ra ổn định và thấy được tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi hươu nên gia đình anh đã quyết tâm đầu tư chuồng trại để chăn nuôi hươu.
Đến nay, gia đình anh đã có tất cả 8 con hươu. Hạch toán sơ bộ cho thấy, từ năm thứ 3 trở đi, khi xuất bán hươu con giống, mỗi con nặng khoảng 20kg có giá dao động từ 4,5- 6 triệu đồng (tùy vào hươu là con đực hay con cái) và cắt nhung 2 lần/con/năm (nếu chăm sóc tốt). Với giá bán từ 1,8-2 triệu đồng/lạng nhung, trừ chi phí bà con sẽ thu lãi khoảng 20 triệu đồng/con/năm.
Triển vọng mô hình nuôi hươu sao lấy nhung
Ông Lê Văn Chương (một thành viên của tổ hợp tác nuôi hươu sao lấy nhung phường Châu Sơn) cho biết, với số tiền đầu tư mua con giống không quá lớn nhưng thu hồi vốn nhanh và lâu dài, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đã và đang góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
Rất tự nguyện, mỗi khi có hộ hội viên có hươu được cắt nhung thì anh em lại xúm vào giúp nhau hỗ trợ lấy nhung. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, bàn bạc thống nhất giá bán để tránh bán mỗi người một giá, làm nhiễu loạn thị trường.
Ông Đồng Đức Phương (Chủ tịch UBND phường Châu Sơn, thành phố Sông Công) cho biết, với quy mô tổng đàn hươu như hiện nay, nhiều khách hàng đã bắt đầu tìm đến Châu Sơn để đặt mua nhung hươu. Có thể nói mô hình nuôi hươu trên địa bàn là điểm sáng trong thực hiện dự án, đem lại lợi nhuận kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Với xu thế các hộ nuôi tiếp tục mở rộng quy mô và có thêm các hộ nuôi mới, để đảm bảo nguồn vốn các hộ dân vay được sử dụng đúng mục đích, trong quá trình chăn nuôi hươu, lãnh đạo địa phương thường xuyên kiểm tra xem các hộ có phát triển đàn hươu hay không. Nếu hộ nào sử dụng nguồn vốn vay vào việc khác, địa phương sẽ thu lại số tiền đó để cho hộ khác vay. UBND phường Châu Sơn cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động những hội viên khác chăn nuôi hươu để phát triển kinh tế.
- Hà Tĩnh: Trang trại hoãn tái đàn giúp dân khôi phục chăn nuôi sau lũ (07/12/2020)
- Nuôi chim yến nhà - Nghề đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao (07/12/2020)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAHP (07/12/2020)
- Đồng Tháp đẩy mạnh tái cấu trúc chăn nuôi heo sau dịch (07/12/2020)
- Nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết, hướng phát triển bền vững (07/12/2020)
- Khuyến nông - Cầu nối người nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học (07/12/2020)
- Nuôi gà bằng thảo dược thu lãi cao (07/12/2020)
- Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm (07/12/2020)
- Nuôi gà đẻ trứng sạch (07/12/2020)
- Nuôi ếch kiếm hàng trăm triệu (07/12/2020)