Kỹ sư điện nuôi heo
18/06/2020


Hai năm làm việc trên đất Malaysia, anh Hùng về quê hương Phú Yên đầu tư công nghệ nuôi heo bằng máy lạnh.

Anh Nguyễn Viết Hùng, sinh năm 1984, quê ở xã miền núi Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ TP Hồ Chí Minh, anh làm việc tại nhà máy nhiệt điện Jemah Power Plani của Malaysia. Hai năm làm việc trên đất khách quê người, anh Hùng về quê đầu tư công nghệ nuôi heo bằng máy lạnh.

Rời Malaysia về quê nuôi heo

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Nguyễn Viết Hùng vào TP Hồ Chí Minh làm đủ thứ nghề kiếm sống. Một thời gian sau, Hùng thi vào Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh, vừa làm vừa học rồi tốt nghiệp ra trường. Nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi, cuối cùng anh Hùng vào làm việc tại Công ty Điện Đông Nam Á.

Tại đây, công ty hợp đồng với anh Hùng sang Malaysia làm việc tại nhà máy nhiệt điện Jemah Power Plani.

Theo hợp đồng anh Hùng làm việc 3 năm trên đất nước bạn, bắt đầu từ năm 2018. Thế nhưng làm việc tại nhà máy nhiệt điện Jemah Power Plani, đến cuối năm 2019, Hùng đã quyết định trở về thăm quê ở xã Đa Lộc.

Ở quê nhà, ba Hùng- ông Nguyễn Văn Hảo đang gầy dựng đầu tư nuôi heo trang trại. Thấy ở quê hương đất gò đồi rộng, phù hợp với công việc đầu tư trang trại nuôi heo, Hùng quyết định gắn bó với nghề nuôi heo bằng máy lạnh.

“Tôi cùng ba Hảo hùn vốn với đứa em trai đầu tư 2 tỉ đồng mở trang trại. Từ đầu năm 2019 đến nay, gia đình tôi đầu tư nuôi heo áp dụng công nghệ cao”, anh Hùng nói.

Trang trại heo của anh Hùng nằm trên khu gò đồi vùng giáp ranh giữa thôn 1 và thôn 2 của xã Đa Lộc, nuôi heo khép kín. Cho heo ăn bằng máy, đổ cám vào thùng rồi dây chuyền chạy ra các máng ăn.

Nước heo uống cũng bằng hệ thống tự động, chỉ cần heo ngậm miệng vào vòi là nước tự chảy ra. Ngoài hệ thống máy lạnh, trại nuôi heo còn gắn hệ thống quạt gió cho chuồng trại thoáng khí.

Anh Hùng chia sẻ: Trang trại rộng 0,5ha (riêng chuồng nuôi gần 1.000 m2 ), mỗi lứa nhà tôi nuôi 1.200 con heo tạ (heo xuất chuồng mỗi con trọng lượng thấp nhất cũng đạt 1,1 tạ). Có lúc trang trại nuôi tới 1.500 con, khi heo còn nhỏ nhìn cũng bình thường, đến khi thành heo tạ, nhìn bầy heo đông như kiến, đứng chật chuồng.

Ạnh Hùng còn chia sẻ cách nuôi heo bằng máy lạnh, là heo con mới vào chuồng trại điều khiển giàn lạnh chạy 30 độ C. Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5 xuất chuồng (trung bình mỗi lứa heo nuôi 5 tháng tuổi), thì máy lạnh chạy nhiệt độ trung bình ban ngày 27, 28 độ C, còn ban đêm thả cửa để đỡ tốn điện vì nhiệt độ ngoài trời ban đêm xuống thấp.

“Đó là mùa nắng, còn mùa lạnh, ở đây là vùng núi, ban đêm nhiệt độ “rớt” xuống dưới 20 độ C thì người nuôi thắp bóng điện công suất lớn để “úm” heo, đủ nhiệt độ 27 độ C. Nuôi heo mùa lạnh ngoài việc dùng hệ thống bóng điện “úm” heo, máy quạt hoạt động thoáng khí “ru” heo ngủ. Heo mà ăn ngủ được, chúng rất mau lớn để tạo nạc.

Khác với heo cỏ nuôi truyền thống ở quê là giống heo lưng gãy, bụng sà, heo siêu nạc “phong độ” cao to hơn nhiều. Vì vậy tạo môi trường cho heo ăn rồi ngủ, ngủ dậy ăn, gọi là “ăn ngủ như heo” thì heo mới mau lớn đủ tạ xuất chuồng”, anh Hùng giãi bày.

Nuôi heo có thưởng

Nuôi heo trang trại thì người nuôi hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, bên công ty đầu tư, giống, thức ăn, thuốc thú y và lo đầu ra sản phẩm, còn người nuôi thì chịu cơ sở vật chất gồm trang trại, đường, điện…

Heo con khó nuôi, tuy nhiên trong quá trình nuôi rủi ro thấp thì được thưởng nhiều. Khi thả heo con nuôi đến khi 5 tháng tuổi xuất bán, mỗi con heo trọng lượng thấp nhất đạt 1,1 tạ, sau khi trừ trọng lượng heo con (heo giống), còn lại khối lượng tăng trọng, người nuôi được công ty trả “đầu ký hơi”, với mỗi ký là 5.000 đồng.

“Giả sử một con heo khi xuất chuồng nặng 1,2 tạ, trừ heo con 30kg, còn lại 90kg nhân với 5.000 đồng (theo hợp đồng ký kết gọi là công nuôi), đó là số tiền người nuôi hưởng lợi. Mỗi năm nuôi 2 lứa, mỗi lứa 1.200 con, trung bình thu không dưới 1 tỉ đồng. Hiện nay, lứa heo này tôi đã nuôi được 3 tháng tuổi”, anh Hùng phân trần.

Anh Hùng chia sẻ, nuôi heo còn có cái “sướng” là trong quá trình nuôi, người nuôi được cộng thêm các khoản chi phí khác, gọi là “nuôi heo có thưởng”.

Đó là tiền thưởng, do nuôi heo tăng trọng nhanh (đàn heo vượt trên 1,1 tạ/con chiếm số lượng nhiều), nuôi heo ít tốn cám, trong quá trình nuôi rủi ro thấp... Mỗi năm “nuôi heo có thưởng”, người nuôi còn có thể bỏ túi số tiền thưởng trăm triệu đồng.

Vừa rồi dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo vượt mặt thịt bò. Trang trại nhà anh Hùng nuôi an toàn sinh học, được công ty chọn gửi nuôi 1.200 heo con, thời gian nuôi 2 tháng. Heo con khó nuôi, khi nuôi thành công, người nuôi được thưởng nhiều.

"Vậy nên gia đình tôi có thêm thu nhập nửa lứa heo con nữa. Tổng cộng năm qua (2019), trang trại nhà tôi nuôi hai lứa rưỡi (hai lứa heo tạ 10 tháng và nuôi 2 tháng heo con), tính cả tiền công nuôi, tiền thưởng, gia đình thu về 1,4 tỉ đồng”, anh Hùng chia sẻ.

Trong tay nắm bằng kỹ sư điện, với công việc nuôi heo, hằng ngày anh Hùng tiêm thuốc bổ cho heo (heo còi chích thuốc bổ cho heo tăng trưởng), sổ lãi cho heo. Theo học ngành điện nhưng anh Hùng nhận thấy mình “có duyên” nuôi heo, chứ không hề "vô duyên".

“Nuôi heo thành công, trước khi xuất chuồng, gia đình có cuộc họp bán heo. Ba mẹ, vợ chồng, anh em ngồi lại nhẩm tính, số lượng heo bán ra được “ăn” trên đầu ký hơi, tiền thưởng... Năm rồi cộng hết lại, nuôi heo lứa đẻ ra tiền tỉ.

Rồi dự tính công việc nuôi heo thời gian đến. Gia đình đang dự định mở rộng trang trại nuôi heo lên đến 2,5ha trên khu gò đồi. Nuôi heo không để mùi “đụng chạm” đến khu dân cư nên gia đình mở rộng trang trại lấn vô núi”, anh Hùng nói về kế hoạch nuôi heo sắp đến.

Nói về mở rộng trang trại heo, ông Nguyễn Văn Hảo, ba anh Hùng cho hay: "Trong trang trại nuôi heo của gia đình thì Hùng “chủ công” nuôi heo, còn tôi chạy vòng ngoài phun thuốc tiêu độc khử trùng, rảnh thì trồng rau ớt.

Đất ở đây trồng cỏ cũng có tiền, trồng cỏ voi bón lót phân heo, đất tốt, cỏ lên cao xanh tươi, người nuôi bò đến cắt bó to nhỏ không cần biết, cứ vác nổi từ đám cỏ ra đường chất lên xe một vác vậy là đã có 20.000 đồng. Vậy nên ngoài nuôi heo, xung quanh trang trại gia đình tôi cũng không cho đất ở không".

Ông Trương Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho hay: Trên địa bàn xã Đa Lộc có 18 trang trại nuôi heo, trong đó 11 trại nuôi hở, 7 trại nuôi khép kín bằng máy lạnh.

Anh Nguyễn Viết Hùng, là người đầu tư nuôi heo khép kín bằng máy lạnh. Việc nuôi heo trang trại, tuyển chọn con giống tốt, qua đó đẩy mạnh công tác nạc hóa đàn heo. Người nuôi tổ chức thực hiện khử trùng, tiêu độc không để xảy ra tình hình dịch bệnh, mang lại thu nhập cao.

Thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, vừa qua ảnh hưởng tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại các xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ, Xuân Long, Xuân Quang 3, Xuân Phước và thị trấn La Hai, với tổng số lượng heo bị bệnh buộc phải tiêu huỷ là 292 con/6.680kg. Thế nhưng trên địa bàn xã Đa Lộc không để xảy ra tình hình dịch bệnh trên đàn heo.

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN- PTNT phối hợp với Trạm Chăn nuôi - Thú y tăng cường công tác kiểm tra và triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Qua đó huyện khuyến khích gia đình nhân rộng mô hình nuôi heo thâm canh, phát triển chăn nuôi hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh, có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

 

 


Số lượt đọc: 734 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác