Thương hiệu gạo Gò Công
18/06/2020


Huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công cùng Sở KH- CN, Sở NN- PTNT Tiền Giang tiến hành xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Gạo Gò Công”.

Các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, TX Gò Công có địa hình thổ nhưỡng phù hợp với sản xuất gạo VD20, Nàng Hoa 9 chiếm hơn 50% diện tích.

Các giống lúa này thích nghi được với vùng phèn nhẹ, chịu hạn mặn, cho năng suất cao và bán ra thị trường có giá hơn các giống lúa khác, lợi nhuận  khoảng 55 triệu đồng/ha/năm.

 Đặc biệt giống lúa VD20, Nàng Hoa 9 trồng trên vùng đất các huyện phía đông, nhất là tại huyện Gò Công Tây sẽ cho ra hạt gạo thơm ngon, bùi dẻo. Đại diện lãnh đạo các địa phương đã bàn bạc thống nhất giao UBND huyện Gò Công Tây sẽ làm chủ sở hữu thương hiệu “Gạo Gò Công”.

Hiện tại chọn giống lúa VD20 làm giống chủ lực, bên cạnh đó sẽ tiếp tục đưa vào danh mục “Gạo Gò Công” các giống chất lượng, giá trị cao khác như Nàng Hoa 9, OM 54-51, tương lai có thể chọn lựa thêm các giống ST24, ST25 hiện đang được trồng thử nghiệm…

UBND huyện Gò Công Tây chịu trách nhiệm hoàn tất hồ sơ thủ tục với Cục Sở Hữu trí tuệ và Sở Khoa học- Công nghệ Tiền Giang để xin cấp phép cho ra đời thương hiệu “Gạo Gò Công”, thống nhất phạm vi địa lý sở hữu thương hiệu “Gạo Gò Công” gồm 4 huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và TX Gò Công. UBND huyện Gò Công Tây có trách nhiệm quản lý, giữ gìn và quảng bá khi có thương hiệu “Gạo Gò Công”.

Theo nhận định thì sản xuất lúa ngày càng khó khăn hơn vì đất nông nghiệp bị thu hẹp, áp lực dịch bệnh tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn.

 

Để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, ngành nông nghiệp các huyện cần tập trung nâng cao giá trị hạt lúa trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tiến đến xây dựng thương hiệu.

Đồng thời giảm diện tích gieo trồng lúa ở những nơi sản xuất không có lợi thế, chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn, giảm diện tích gieo trồng lúa phẩm cấp thấp, tăng diện tích lúa chất lượng cao.

 Phát huy lợi thế vùng sản xuất lúa thơm VD20 kết hợp phát triển du lịch, hình thành vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường nhằm giúp nông dân dự đoán thị trường, có kế hoạch sản xuất phù hợp để giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa, rớt giá, đồng thời hướng đến các thị trường mục tiêu tiềm năng trong và ngoài nước.

Tiến hành quy hoạch hoàn thiện các công trình đê, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các cụm công nghiệp trọng điểm để phục vụ tốt cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu lúa gạo.

Xây dựng và củng cố hệ thống hợp tác xã, tổ hợp tác vững mạnh nhằm xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nông dân. Tăng cường tổ chức liên kết nông dân với nông dân, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng.

Tiếp tục đầu tư diện tích cánh đồng lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể là sử dụng giống xác nhận, phân thuốc là sản phẩm sinh học, sạ hàng, áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, ... để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Có như vậy mới giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, có thị trường tiêu thụ và cuối cùng là lợi nhuận tăng lên.


Số lượt đọc: 1103 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác