Bơ sáp ghép Thái Dương là cây ăn quả có giá trị kinh tế nằm trong danh sách những mặt hàng nông sản có thương hiệu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cây bơ sáp này chính là sản phẩm mang tên anh Nguyễn Cảnh Thái Dương cư trú tại ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đúng hẹn, chúng tôi đến tham quan vườn bơ của anh tại ấp Liên Lộc, xã Xà Bang. Dẫn chúng tôi đi theo những hàng bơ đang vào mùa đậu quả, anh Dương kể, toàn bộ khu đất 1,5 ha này, trước đây gia đình canh tác những loài cây ăn quả khác nhau như chôm chôm, mãng cầu, nhãn, bơ… Việc thu hoạch không đồng bộ, manh múm, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2008, tình cờ anh phát hiện một cây bơ sáp có trái to, thon dài, hạt nhỏ, cơm vàng, dẻo. Anh nảy sinh ý tưởng phát triển cây bơ thành cây chủ lực. Rồi bắt đầu nghiên cứu, học tập cách ghép cành trên cây ăn trái. Qua nhiều lần thất bại cuối cùng anh cũng đã thành công và cho ra những cây bơ sáp mang tên anh.
Anh Dương cho biết, hiện toàn bộ những cây bơ trong khu vườn này đều là bơ ghép. Gốc là cây bơ thực sinh, bộ rễ chắc phù hợp với thổ nhưỡng tại vùng này nên ít sâu bệnh hơn, cây phát triển tốt và ngọn là cành cây bơ có những đặc điểm nổi bật như trái to thon dài, hạt nhỏ, ruột vàng, dẻo, thời gian chín kéo dài hơn so với giống bơ khác…
Cây bơ Thái Dương hiện được nhiều người biết đến là nhờ vườn bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAp, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Sử dụng hệ thống tưới xoay cho toàn bộ khu vườn. Định kỳ một năm hai lần sử dụng vôi cục cho vào cái lu sành đổ nước vào ngâm khoảng 12 giờ rồi dùng vải quét vào gốc và kéo dài lên thân cây khoảng 1m để ngừa vi khuẩn và ngăn không cho nấm móc, rêu bám.
Theo kinh nghiệm của anh, để trồng bơ cho năng suất cao khâu quan trọng nhất là chọn cây giống và trồng với mật độ thích hợp, bón phân hợp lý. Cây giống nên chọn những cây khỏe, có chiều cao khoảng 50 cm, có bộ rễ đã đâm ra ngoài bầu ươm, lá xanh tươi từ góc đến ngọn.
“Đất trồng phải thoát được nước, trước khi trồng đào hố có kích thước 60 x 60 x 60 cm, bón lót phân chuồng ủ hoai với nấm Tricoderma, khi cây trưởng thành và ra hoa đậu trái cần bón bổ sung thêm phân dê ủ hoai, cắt tỉa cành tạo tán cho cây, nếu cây có quá nhiều trái nên giữ lại số lượng quả trên cây phù hợp để trái phát triển tốt và đồng cỡ, mùa khô luôn cung cấp đủ nước”, anh Dương nói.
Cây bơ sáp Thái Dương cho năng suất cao, mỗi cây thu hoạch khoảng 100 kg trái/năm, năng suất khoảng 15-20 tấn/ha, mỗi trái nặng trung bình từ 500-700g, được nhiều người biết đến. Năm 2017 anh liên kết với một số người trồng bơ thành lập HTX Thái Dương, gồm 12 thành viên với diện tích khoảng 5 ha trồng bơ thương hiệu Thái Dương.
Hiện bơ sáp Thái Dương có mặt tại các cửa hàng trái cây sạch ở trong tỉnh và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Định, Hà Nội, TPHCM… với giá trung bình từ 70 - 80 ngàn đồng/kg.
Không những trồng cây bơ thu hoạch trái, anh còn ghép cây giống cung cấp cho nhu cầu thị trường, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ cho bà con muốn đến với thương hiệu bơ sáp Thái Dương.
- Đồng Tháp: Bảo tồn 550 ha quýt hồng trước nguy cơ cây bị dịch bệnh (07/12/2020)
- Liên kết chuỗi sản xuất chè an toàn (07/12/2020)
- Trời chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt đắt hàng (07/12/2020)
- Bệnh lem lép hạt giai đoạn lúa trổ quản lý như thế nào? (07/12/2020)
- Khôi phục sản xuất hoa cho tết (07/12/2020)
- Hạn chế lạm dụng hóa chất để canh tác cây ăn trái (07/12/2020)
- Thuần hóa rau rừng, đưa vào siêu thị và nhà hàng nổi tiếng (07/12/2020)
- Nam Định: Bắp niễng rớt giá (07/12/2020)
- Vụ đông Thái Bình đang 'về đích' (07/12/2020)
- Nông dân hiến kế cách ‘sống khỏe’ với cây tiêu (07/12/2020)