Bình Định: Dè dặt trồng hoa cúc vụ tết
03/11/2020

Năm nay, người trồng cúc bán tết ở Bình Định không dám trồng số lượng nhiều như những năm trước đây, bởi lo nhiều bất thuận sẽ khiến sức tiêu thụ yếu đi…

Những ngày cuối tháng 10, do ảnh hưởng nhiều cơn bão liên hoàn nên Bình Định thường xuyên xảy ra mưa. Mưa không lớn nhưng dầm dề, bầu trời âm u cả ngày. Trời đã buồn, người trồng cúc bán tết ở đây còn buồn hơn. Bởi, cúc đã trồng xuống rồi mà lòng cứ lo không biết tết năm nay có tiêu thụ được không. Đã thế, cúc lại phát sinh bệnh vàng lá nên người trồng còn thêm nỗi lo cây ra hoa không đúng dịp tết.

Chị Nguyễn Thị Thanh (45 tuổi) ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) cho biết, chỉ trồng 200 chậu cúc, giảm 1 nửa số lượng so năm ngoái. Năm ngoái, loại cúc trồng trong chậu có vành 50cm chị Thanh bán sỉ được 300.000-320.000 đ/chậu, thương lái mua cả vườn. Nhà vườn nào bán sỉ thì trúng giá, còn thương lái mua sỉ bán lẻ hầu hết đều bị “bể”, do sức mua rất yếu, đến ngày cuối năm mà cúc còn ê hề.

“Năm ngoái không có dịch dã, dân tình làm ăn suôn sẻ mà cúc đã ế như vậy, không biết năm nay thương lái có còn mua mạnh nữa không”, chị Thanh lo lắng.

Ở TX An Nhơn, riêng làng cúc Vĩnh Liêm (phường Bình Định) hàng năm trồng đến cả 15.000 chậu để bán tết, thế nhưng năm nay lo “cúc ế” nên số lượng trồng đã giảm đến 1 nửa.

Tương tự, nông dân chuyên trồng hoa cúc bán tết ở huyện Tuy Phước tại các làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa), Tú Thủy (xã Phước Hiệp), An Cửu, Biểu Chánh (xã Phước Hưng) cũng trồng số lượng ít hẳn đi. Ông Nguyễn Muộn (64 tuổi), người chuyên trồng hoa cúc bán tết ở làng hoa Bình Lâm, chia sẻ: “Năm ngoái gia đình tôi trồng xấp xỉ 1.000 chậu cúc pha lê, nhưng nay giảm còn 200 chậu”.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, nghề trồng hoa cúc tết đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân địa phương. Năm nay bà con ngại dịch Covid-19 nên chỉ trồng 80.000 chậu, giảm trên 20.000 chậu so với năm ngoái. Tổ hội nghề nghiệp trồng hoa cúc tết tại thôn An Cửu và Biểu Chánh (xã Phước Hưng) cũng chỉ trồng 30.000 chậu, giảm 10.000 chậu.

Toàn huyện Tuy Phước hiện có 379 hộ chuyên trồng hoa cúc bán tết, lượng hoa cúc trồng cho vụ hoa Tết Nguyên đán sắp tới ước chừng 113.000 chậu, giảm 30.000 chậu so vụ tết năm ngoái.

Không chỉ lo về thị trường, người trồng cúc năm nay còn lo cây cúc ra hoa không đúng dịp tết do bệnh phát sinh và thời tiết bất thuận. Chị Nguyễn Thị Thanh (45 tuổi) ở khối Vĩnh Liêm, phường Bình Định (TX An Nhơn) than thở: “Cũng như mọi năm tôi lấy giống cúc ở Đà Lạt. Cứ vào tháng 5 âm lịch là tôi gọi điện cho bạn hàng ở Đà Lạt đặt hàng để họ ươm giống, mỗi cây giống có giá 200đ. Không biết có phải do giống đã bị thoái hóa hay không mà 200 chậu cúc tôi trồng năm nay đều bị bệnh vàng lá. Thêm vào đó, mưa kéo dài, những chậu cúc thường xuyên bị úng nước. Đến tết mà cây không có hoa thì kể như công cốc, chẳng ai thèm mua. Tính từ khi trồng đến khi bán mỗi chậu cúc có tổng chi phí đến 150.000đ, tiền vốn trồng 200 chậu cúc mất đến 30 triệu đồng chứ ít đâu”.

“Cúc tết năm ngoái hầu hết đều bị thương lái đập chậu nhổ hoa về cắt bán bông cành, nhiều người bỏ luôn cúc ở bãi “bỏ của chạy lấy người”. Năm ngoái các thương lái đều lỗ “chỏng chân”, bởi ngoài mất tiền vốn đầu tư, còn mất tiền thuê bãi. Ở An Nhơn thuê 1 lô có giá hơn 1 triệu chứ thuê ở thành phố Quy Nhơn phải hơn 10 triệu. Năm nay hầu hết người trồng đều xác định nếu thương lái không mua thì phải thuê bãi bán”, anh Võ Lộc (57 tuổi) ở phường Bình Định (TX An Nhơn) chuyên mua sỉ hoa cúc mang đi bán lẻ, chia sẻ.

 


Số lượt đọc: 666 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác