Gần đây nhiều gia đình đang làm giàu với ruồi lính đen; đặc biệt ấu trùng của loài vật nhỏ bé này có hàm lượng dinh dưỡng cao dùng làm thức ăn chăn nuôi…
Ruồi lính đen vô hại
Khi nhắc tới những loại ruồi, muỗi hay các loại côn trùng khác, ai cũng thường nghĩ chúng gây hại cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, có một loại côn trùng lại có rất nhiều lợi ích với các loại động, thực vật và môi trường xung quanh con người đó là ruồi lính đen hay còn gọi với tên gọi khác là sâu canxi.
Ruồi lính đen là một loại côn trùng đặc biệt, vô hại, phân bố khắp nơi trên thế giới và không mang các tác nhân gây bệnh như ruồi nhà.
Loài vật nhỏ bé này sinh sống, phát triển vòng đời trong khoảng 45 ngày từ trứng phát triển thành ấu trùng, rồi từ ấu trùng phát thiển thành nhộng, nhộng phát triển thành côn trùng và sinh đẻ. Đặc biệt, ứng dụng của ruồi lính đen dùng để làm thức ăn chăn nuôi với hàm lượng dinh dưỡng khá cao.
Thành phần dinh dưỡng của ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng là 43 - 51% protein, 15 - 18% chất béo, 2,8 - 6,2% canxi, 1 - 1,2% phốt pho, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi; đồng thời là thức ăn sống tốt nhất để nuôi các động vật đặc sản như tôm, cua, cá, lươn, ếch…
Ngoài ra, ấu trùng ruồi có thể cô đặc, sấy khô phối trộn với các chất dinh dưỡng của ruồi lính đen khác làm thức ăn thay thế hoàn toàn bột cá trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Chúng còn bổ sung canxi và phốt pho cho gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng… giúp bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, kích thích ra lông tốt. Chúng còn là loại côn trùng có ích, có thể xử lí rác thải hữu cơ thành phân bón hữu ích cho cây cảnh.
Chính từ lợi ích nhiều mặt của ruồi lính đen, trên thị trường gần đây xuất hiện nhiều mô hình nuôi ruồi lính đen làm nguồn thức ăn hữu ích cho các loại vật nuôi, nhưng thực tế cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Có thể làm giàu từ ruồi lính đen
PV KTGĐ ghé thăm trại ruồi lính đen của gia đình anh Nguyễn Thái Phong (ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) là người tiên phong đưa nghề nuôi ruồi lính đen về vùng đất này.
Chỉ sau 3 năm khởi nghiệp, chàng trai trẻ vốn là bộ đội xuất ngũ đã sớm thành công và trở thành ông chủ một trang trại ruồi lính đen có khách hàng toàn quốc.
Chia sẻ với KTGĐ, Phong tâm sự, năm 2017 bắt đầu tìm hướng khởi nghiệp, qua tìm hiểu nhiều nguồn, anh bắt đầu “mê” loài vật đặc biệt - ruồi lính đen và triển khai ngay mô hình này vì nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Mô hình ngày càng ăn nên làm ra và tạo được tên tuổi trên toàn quốc với thương hiệu Lavafam (nông trại ấu trùng).
Phong chia sẻ: “Em thấy loài ruồi lính đen này không có hại cho môi trường, ấu trùng của ruồi lính đen được dùng để phân hủy chất thải chăn nuôi, đồng thời dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trứng của ruồi lính đen nở thành nhộng là thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi heo, gia cầm, thủy sản.
Ruồi lính đen không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên khá an toàn”
Theo Phong, nuôi ruồi lính đen không quá phức tạp vì thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là rau củ quả đã hư hỏng hay xác bã đậu, sắn...Có thể thực phẩm xin được ở chợ, loài này khá phàm ăn, suốt vòng đời, một kg ấu trùng sẽ tiêu thụ hết 5 cân phụ phẩm thức ăn.
Với những ưu điểm vượt trội về tính năng xử lý rác thải và nguồn thức ăn hiệu quả trong chăn nuôi của ruồi lính đen, hiện đầu ra cũng khá thuận lợi. Do vậy, Phong đã vận động thêm nhiều gia đình tại địa phương cùng triển khai mô hình ruồi lính đen để làm “vệ tinh” cung cấp sản phẩm cho Phong ký hợp đồng bao tiêu.
Hiện trại ruồi của Phong cung cấp ra thị trường các loại sản phẩm như ấu trùng sấy dùng làm thức ăn cho chim, cá cảnh; ấu trùng tươi dùng làm thức ăn cho chó, gà, vịt và cung cấp con giống các hộ chăn nuôi trên toàn quốc.
Thậm chí sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen còn được đưa vào sấy khô công nghệ tiệt trùng, hiện đang có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị là món khoái khẩu như nhộng ong khiến người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Tùy theo mỗi loại sản phẩm mà có giá cả khác nhau, như ấu trùng đen cung cấp cho nhà nuôi yến có giá từ 70 - 100 ngàn đồng/kg; ấu trùng dùng làm giống có giá trên 100 ngàn đồng/kg; ấu trùng cho gà, vịt ăn từ 10 đến 15.000 đồng/kg. Còn trứng ruồi có giá đến 5 triệu đồng/kg.
Hiện Phong và những người bạn đang chuẩn bị thành lập công ty để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới cung cấp ra thị trường, như phân bón cho cây trồng, chiết suất dịch làm phân bón lá cây, ép tinh dầu để dùng pha vào thức ăn chăn nuôi...
“Theo tính toán một ấu trùng mỗi ngày ăn được một khối lượng gấp 10 lần trọng lượng của nó. Nhiều nhà nuôi yến còn sử dụng kén ruồi lính đen để làm thức ăn cho yến, là giải pháp thay thế nguồn thức ăn tự nhiên của yến đang ngày càng cạn kiệt. Đồng thời, thay thế bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen được xem là giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản”, GS.TS Dương Nguyên Khang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao KHCN, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết.
- Hà Tĩnh: Trang trại hoãn tái đàn giúp dân khôi phục chăn nuôi sau lũ (07/12/2020)
- Nuôi chim yến nhà - Nghề đặc thù mang lại giá trị kinh tế cao (07/12/2020)
- Hòa Bình: Nuôi gà thương phẩm theo VietGAHP (07/12/2020)
- Đồng Tháp đẩy mạnh tái cấu trúc chăn nuôi heo sau dịch (07/12/2020)
- Nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết, hướng phát triển bền vững (07/12/2020)
- Khuyến nông - Cầu nối người nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học (07/12/2020)
- Nuôi gà bằng thảo dược thu lãi cao (07/12/2020)
- Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm (07/12/2020)
- Nuôi gà đẻ trứng sạch (07/12/2020)
- Nuôi ếch kiếm hàng trăm triệu (07/12/2020)