Mọi năm thời điểm này vùng trồng mai, quất tết ở Phú Yên đã chộn rộn, nườm nượp thương lái đổ về thu mua mai lá, đặt cọc quất tết nhưng nay vắng hẳn…
Nhiều người trồng mai, quất tết ở Phú Yên thở dài với chúng tôi như vậy và cho biết, có thể do ảnh hưởng Covid-19 nên thị trường tiêu thụ hoa, cây cảnh có vẻ không được hút hàng so với cùng kỳ mọi năm.
Theo người trồng hoa ở phường 9, thường lệ, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch, thương lái khắp nơi, nhất là các tỉnh phía Nam đã dạo các vườn để chọn mua mai lá, tức là mai chưa được vặt lá.
Theo đó, những chậu mai họ chọn tiêu chuẩn lá phải xanh tốt, dáng đẹp và không bị sâu bệnh…Vì vậy, tùy nhà vườn có thể bán được vài chục chậu hoặc có khi bán sạch vườn “bỏ túi” hàng chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.
“Sở dĩ họ mua mai lá sớm là để đưa về trong Nam cho cây thích nghi với khí hậu và chọn thời điểm vặt lá thích hợp để “canh” mai nở trúng tết. Hơn nữa mua mai thời điểm này còn có lợi thuê xe dễ, chi phí thấp, vận chuyển dễ dàng so với thời điểm gần tết. Và, người trồng mai ở đây cũng thích bán kiểu này. Bởi không có bí quyết nào để điều khiển mai ra hoa theo ý muốn, mà chỉ có kinh nghiệm dựa vào thời tiết mà người trồng mai chọn thời điểm “lặt lá” phù hợp”, một người trồng mai nói hình thức mua và bán mai lá cả thương lái và người trồng đều hài lòng nên giao dịch nhiều năm nay.
Ông Ngô Đình Diêm, một người trồng mai ở phường 9 cũng xác nhận thông tin trên và bày tỏ, mọi năm thời điểm này, nhà ông đã bán từ 20-30 chục chậu mai lá, với giá từ vài trăm ngàn cho đến hàng triệu đồng/chậu (tùy loại). Thế nhưng năm nay, nhiều bà con cũng chưa ai bán được chậu mai lá nào.
“Hiện gia đình tôi có 500 chậu mai lớn, nhỏ. Nhưng do ảnh hưởng thời tiết, cộng với mưa bão liên tục nên phần lớn vườn bị nấm và rầy rệp gây vàng lá. Dù gia đình đã áp dụng nhiều biện pháp phun thuốc BVTV phòng trừ nhưng có cây phục hồi và có cây không. Những vị trí cây bị vàng lá rồi chuyển sang cháy lá sẽ bị “điếc” bông. Do đó, những cây này gia đình sẽ xử lý và dưỡng lại cho vụ hoa sau”,ông Diêm chia sẻ.
Không chỉ mai lá, quất tết hiện thương lái cũng ít đến vườn xem và đặt cọc như những năm trước. Ông Phạm Văn Tùng, một người trồng quất phường 9 cho biết, mọi năm đến nay nhiều nhà vườn đã được thương lái đặt cọc gần xong vụ hoa tết. Nhưng giờ ít thương lái đến. Nguyên nhân có thể ảnh hưởng Covid-19 nên họ e ngại sức mua dịp tết kém nên không dám đặt hàng.
“Vụ quất tết năm nay, gia đình trồng 600 chậu nhưng do ảnh hưởng mưa bão nên chỉ được 200 chậu ứng ý. Số lượng quất còn lại, cây ra quả không đồng đều, trái nhỏ, ít trái chắc bán không được”, ông Tùng buồn bã nói.
Sang vùng trồng mai, quất tết ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) chúng tôi cũng ghi nhận không khí cũng khá ảm đạm, vắng vẻ. Bởi không thấy cảnh xe tải đậu thu mua mai lá rậm rộ như mọi năm, cũng như do ảnh hưởng cơn bão số 9 và 12 đã khiến vùng trồng mai, quất tết trở nên xơ xác.
Anh Nguyễn Tiến, một người trồng mai, quất ở thôn Liên Trì 2, cho biết, 2 cơn bão vừa qua khiến cây mai, quất bị đụng rễ làm vàng lá, rụng trái rất nhiều. Gia đình anh có 200 chậu mai và 400 chậu quất cũng bị tình trạng này. Sau bão gia đình đã mướn nhiều công lao động chăm sóc, khôi phục, song không biết từ nay đến tết sẽ ra sao, chứ nhiều tích đã bị thiệt hại.
Ông Lương Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến cho biết, toàn xã có 30 ha trồng mai, quất tết. Các cơn bão vừa qua đã khiến gần phân nửa diện tích bị hư hại do cây bị đụng rễ làm vàng lá, rụng trái. Hiện số diện tích còn lại, bà con đã nổ lực khôi phục sản xuất để cung ứng cho thị trường hoa tết.
Ông Minh xác nhận mọi năm thời điểm này rất nhiều xe tải đến xã thu mua mai lá chở đi. Tuy nhiên hiện ít thấy thương lái đến đặt hàng nên việc mua bán kém sôi động. Ngay cả quất tết cũng ít có người đặt cọc. Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Quy, thôn Liên Trì 2 may mắn được thương lái địa phương đặt cọc 400 chậu quất, với giá 250 ngàn đ/chậu (chậu cao 1,5m). Anh cho biết, giá quất được anh bán thấp hơn 20 ngàn đ/chậu so với năm ngoái. Nhưng gia đình bán được cũng rất mừng vì hiện nhiều người chưa được đặt cọc. Còn 500 chậu mai lá hiện ít thương lái hỏi mua nên gia đình cũng chưa bán được chậu nào.
- Đồng Tháp: Bảo tồn 550 ha quýt hồng trước nguy cơ cây bị dịch bệnh (07/12/2020)
- Liên kết chuỗi sản xuất chè an toàn (07/12/2020)
- Trời chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt đắt hàng (07/12/2020)
- Bệnh lem lép hạt giai đoạn lúa trổ quản lý như thế nào? (07/12/2020)
- Khôi phục sản xuất hoa cho tết (07/12/2020)
- Hạn chế lạm dụng hóa chất để canh tác cây ăn trái (07/12/2020)
- Thuần hóa rau rừng, đưa vào siêu thị và nhà hàng nổi tiếng (07/12/2020)
- Nam Định: Bắp niễng rớt giá (07/12/2020)
- Vụ đông Thái Bình đang 'về đích' (07/12/2020)
- Nông dân hiến kế cách ‘sống khỏe’ với cây tiêu (07/12/2020)