Chưa năm nào giá cam lại thê thảm như năm nay, đang vào mùa cam Vinh nhưng giá bán ngoài chợ chỉ 5 ngàn đồng/kg, nhưng lắt lay chả có người mua…
Ông Trần Đức Lâm, nguyên PGĐ Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Yên Bái bảo tôi: Năm nay giá cam rẻ quá, chỉ 5-6 ngàn đồng/kg, mà chả có người mua…
Tôi quyết định làm một cuộc khảo sát vùng cam Lục Yên xem sao. Theo thống kê Lục Yên hiện có hơn 500 ha cam, trong đó cam Vinh gần 100 ha, tập trung ở các xã Tân Lĩnh, Mường Lai, Khánh Hòa…riêng xã Mường Lai có trên 200 ha cam, sản lượng hơn 2.000 tấn, trung bình mỗi năm thu về 3- 4 tỷ đồng, nếu giá cao thì không dưới 5 tỷ.
Giống cam Vinh được bà con đưa lên trồng gần 20 năm nay, phần lớn là cam ghép gốc bưởi. Xã Mường Lai có 102 hộ trồng cam, trong đó có 30% trồng từ 1 ha trở lên. Những gia đình trồng nhiều cam là các ông Nông Văn Ba, Nguyễn Văn Tỉnh, Lý Văn Đẹp, Lý Ngọc Sơn, Mai Văn Quý đều trồng từ 400 - 500 gốc.
Nhà trồng nhiều cam Vinh nhất là gia đình ông Nông Văn Ba có 400 gốc, trong đó có 100 gốc 14 tuổi, 300 gốc từ 3-7 tuổi; cam sành 70 gốc. Trung bình mỗi năm vườn cam của gia đình ông cho thu khoảng 200- 250 triệu, khách đến tận vườn mua không mấy khi ông phải chở cam ra chợ bán.
Năm ngoái tôi vào tận vườn nhà ông mua với giá 15.000đ/kg, còn ngoài chợ 18.000đ/kg, nhưng năm nay ế quá, cam đẹp và ngon chỉ bán 10.000đ/kg, còn cam xấu chỉ 2.000- 3.000đ/kg, nhưng cũng chẳng mấy người mua.
Trời đã muộn, nên tôi không vào nhà ông Ba được vì phải vượt qua cánh đồng đường khó đi, chị Nguyễn Hồng Nhung- Phó phòng Nông nghiệp-PTNT Lục Yên bảo tôi: Giá ở đâu cũng vậy thôi, nhiều gia đình không chăm sóc được, cam chỉ bán được khoảng 2.000đ/kg…
Nói rồi chị dẫn tôi vào vườn cam nhà bà Hoàng Thị Túy, thôn 8 nằm ngay cạnh đường. Bà Túy đang đi vắng, chúng tôi lội khắp vườn cam, chị Nhung cho biết: Mọi năm vào thời gian này khách đến đây mua cam chở đi khắp nơi người ra vào tấp nập, còn năm nay cam ế quá đứng mãi chả thấy ai …
Sau một hồi "a lô", đợi đến gần một tiếng bà Túy mới ở đâu phóng xe về, thấy khách hỏi mua cam gương mặt bà mừng ra mặt, bà bảo: Tôi sang nhà con trai đan cho nó cái giỏ, đợi ở nhà từ sáng có ai đến mua đâu…
Nói rồi bà trèo tót lên cây cam trồng ngay ở cổng ra vào, bà bảo: Cây này trồng hơn chục năm rồi, ngọt nhất, còn dưới kia cam trồng 6-7 năm thôi…
Nhà bà có khoảng 200 gốc cam Vinh, mọi năm bán giá 15-20 ngàn đ/kg, năm nay ế quá chỉ bán được 10 ngàn thôi mà chẳng có người mua.
Tôi hỏi: Cam ở chợ người ta chỉ bán 5-6 ngàn, sao vào tận vườn mua bà lại bán những 10 ngàn là sao?
Bà Túy kêu ối dô rồi bảo: Người ta mua của nhà tôi 10 ngàn đ/kg để cho khách nếm thử để bán cam khác với giá 5 ngàn, bác hiểu chứ… Hóa ra là vậy, cam nhà bà dùng làm hàng chiêu dụ khách.
Ông Mai Thanh Tùng một đại gia cam lớn nhất huyện Lục Yên cho hay, nhà ông có hơn 100 ha cam, trong đó tại huyện Lục Yên có 58 ha, còn ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang 54 ha. Trao đổi với tôi ông lắc đầu: Giá cam năm nay rẻ quá, rẻ không thể tưởng tượng nổi. Từ đầu vụ đến giờ cam Vinh chưa bán được bao nhiêu, chủ yếu là cho. Mọi năm vào giờ này, nhiều người mua cam nhà tôi chở vào tận trong Vinh, họ làm giả cam Vinh rồi bán đi khắp nơi. Còn năm nay thì im ắng quá, có lẽ do lũ lụt khiến người dân miền Trung kiệt quệ, nên việc tiêu thụ cũng kém quá chăng?
Cam Vinh của nhà ông Tùng do chăm sóc tốt, cam ngọt, mã đẹp nhưng giá bán cũng chỉ 5-7 ngàn đ/kg tại vườn, ông không bán cứ để cam thật già mới hái chờ giá lên, còn bán lúc này chỉ đủ công hái và vận chuyển nên ông bảo thà để rụng còn hơn. Tuy nhiên, ông hy vọng cuối năm giá cam sẽ tăng.
- Chăm sóc vườn cây ăn quả sau mưa lũ (07/12/2020)
- Phú Yên: Vắng thương lái thu mua mai lá, quất tết (03/12/2020)
- Bệnh lem lép hạt giai đoạn lúa trổ quản lý như thế nào? (03/12/2020)
- Trời chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt đắt hàng (03/12/2020)
- Tuyên Quang: Trồng rau sạch trái vụ (03/12/2020)
- Để kiểm soát được bệnh trên cây có múi: Cần bàn tay Nhà nước (03/12/2020)
- Để kiểm soát được bệnh trên cây có múi: Phải quản chặt khâu giống (03/12/2020)
- Để kiểm soát được bệnh trên cây có múi (03/12/2020)
- Cam sành Hàm Yên khó tiêu thụ (03/12/2020)
- Không gieo cấy trước lịch thời vụ (03/12/2020)