Hiện tỉnh Thái Bình đang khẩn trương, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh.
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã khẳng định vụ đông là vụ sản xuất có thời gian ngắn, sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ khá ổn định và là vụ tạo ra sản lượng nông sản lớn, giá trị cao. Xác định tầm quan trọng của sản xuất vụ đông, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, trong bối cảnh nước ta và các nước trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 làm suy giảm nghiêm trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống dân sinh thì việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề án sản xuất vụ đông xuân năm 2020 - 2021 phấn đấu mục tiêu gieo trồng trên 36.000ha cây vụ đông.
Vừa qua, tại thôn An Vinh, xã Vũ An (Kiến Xương), Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình phối hợp với huyện Kiến Xương đã tổ chức lễ phát động phong trào trồng cây vụ đông ưa lạnh vụ đông xuân năm 2020 – 2021. Tại lễ phát động, Sở NN-PTNT đã công bố quyết định của UBND tỉnh về phân bổ hỗ trợ 8.450kg hạt giống rau các loại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 7 gây ra cho các huyện, thành phố.
Với sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành và nỗ lực của bà con nông dân, đến 5/11, toàn tỉnh đã trồng trên 29.500ha cây màu vụ đông, đạt 82% kế hoạch.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 làm trên 10.000ha bị thiệt hại; trong đó gần 5.000ha bị thiệt hại từ 30 - 70%, gần 6.000ha bị thiệt hại trên 70%. Nếu không khẩn trương, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh thì nguy cơ không đạt được các mục tiêu theo kế hoạch trong khi thời vụ gieo trồng không còn nhiều.
Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, để đạt và vượt mục tiêu diện tích vụ đông đồng thời vực dậy phong trào sản xuất vụ đông, với chủ trương mở rộng tối đa diện tích gieo trồng; sử dụng giống có phẩm cấp, chất lượng tốt gắn với đầu tư thâm canh, bảo đảm đúng khung thời vụ; khuyến khích thuê, mượn ruộng để sản xuất tập trung; các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện tập trung hỗ trợ phát triển một số cây trồng chủ lực, vùng chuyên canh quy mô lớn.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 7, toàn huyện Quỳnh Phụ có 500ha cây vụ đông bị ngập, đổ. Phòng NN-PTNT đã tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, nhanh chóng khôi phục, bảo vệ cây trồng, sớm ổn định sản xuất. Nông dân nhiều địa phương trong huyện như Quỳnh Hải, Quỳnh Minh, An Khê... đã nhanh nhạy mở rộng thêm diện tích rau màu để kịp thời cung ứng cho thị trường.
Đến thời điểm này, Quỳnh Phụ đã gieo trồng được 5.700ha cây vụ đông, trong đó ngô 1.800ha, ớt 980ha, 1000ha dưa bí, đậu đỗ, 500ha khoai tây, rau màu các loại 1.420ha. Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Phụ cho biết, trên cơ sở xác định đúng những yếu tố thuận lợi, khó khăn, huyện có biện pháp chỉ đạo thực hiện sản xuất vụ đông. Để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây vụ đông theo kế hoạch, bên cạnh cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của huyện, các địa phương đã mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác cây vụ đông tại tất cả các cơ sở thôn. Công tác quy hoạch và phát triển cánh đồng mẫu, vùng chuyển đổi, đầu tư kiên cố hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ, khen thưởng trong sản xuất vụ đông cũng luôn được coi trọng.
Với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền cùng cơ chế hỗ trợ cụ thể trong sản xuất vụ đông nên những năm qua việc sản xuất vụ đông luôn nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của nhân dân. Huyện Quỳnh Phụ vừa cấp thêm 110kg hạt giống bí đỏ cho 24 xã, 1.100kg hạt giống rau ưa lạnh ngắn ngày cho 37 xã, thị trấn để trồng thành vùng tập trung, mở rộng diện tích canh tác cây vụ đông.
Nhờ đó, các vùng sản xuất cây màu an toàn được mở rộng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, VietGAP được tăng cường. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong việc bảo đảm tiêu thụ nông sản cho nông dân, việc tìm đầu ra cho sản phẩm có nhiều chuyển biến, thị trường nông sản ổn định đã giúp nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Phát huy những thế mạnh sẵn có cùng việc tận dụng hiệu quả những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Quỳnh Phụ đang quyết tâm giành hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất vụ đông, góp phần bù đắp, cải thiện thu nhập cho nông dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai trong thời gian qua.
- Đồng Tháp: Bảo tồn 550 ha quýt hồng trước nguy cơ cây bị dịch bệnh (07/12/2020)
- Liên kết chuỗi sản xuất chè an toàn (07/12/2020)
- Trời chuyển lạnh, ngô nếp, ngô ngọt đắt hàng (07/12/2020)
- Bệnh lem lép hạt giai đoạn lúa trổ quản lý như thế nào? (07/12/2020)
- Khôi phục sản xuất hoa cho tết (07/12/2020)
- Hạn chế lạm dụng hóa chất để canh tác cây ăn trái (07/12/2020)
- Thuần hóa rau rừng, đưa vào siêu thị và nhà hàng nổi tiếng (07/12/2020)
- Nam Định: Bắp niễng rớt giá (07/12/2020)
- Nông dân hiến kế cách ‘sống khỏe’ với cây tiêu (07/12/2020)
- Chăm sóc vườn cây ăn quả sau mưa lũ (07/12/2020)