TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Tư, 30/10/2024
Tổng quan về huyện
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHoạt động UBND huyện
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 298579

  TỔNG QUAN VỀ HUYỆN

  Điều kiện Tự nhiên – Kinh tế - Xã hội
16/09/2013

1. Tên huyện: UBND Huyện Xuyên Mộc

2. Vị trí địa lý, diện tích đất đai, khí hậu, đơn vị hành chính

- Vị trí địa lý: Huyện Xuyên Mộc có diện tích tự nhiên 64.342,74 ha (số liệu ngày 1/1/2011) chiếm 32,36% DTTN toàn tỉnh, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh BR-VT thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phia Đông giáp tỉnh Bình Thuận, Phia Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Phía Tây giáp huyện Châu Đức và huyện Đất Đỏ, Phía Nam giáp Biển Đông.

- Đơn vị hành chính (cơ cấu xã, số thôn/làng): Từ đầu năm 2003, toàn huyện có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã (Phước Thuận, Phước Tân, Xuyên Mộc, Bông Trang, Bàu Lâm, Hòa Bình, Hòa Hưng, Hòa Hiệp, Hoà Hội, Bưng Riềng, Tân Lâm, Xuyên Mộc, Bình Châu), 1 thị trấn (Phước Bửu). Thị trấn Phước Bửu là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của toàn huyện.

- Diện tích đất: Xuyên Mộc là một huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khoảng 642,18km².

- Hiện trạng sử dụng đất đến năm 2012: Đất huy động sử dụng cho các ngành: 64.053,83 ha, chiếm 99,55% DTTN. Đất chưa sử dụng: 288,9 ha chiếm 0,45% DTTN trong đó đất bằng chưa sử dụng 271,27 ha, đất đồi núi chưa sử dụng 17,62 ha đây là diện tích nằm rải rác cần chú trọng khai thác để mở rộng đất sản xuất nông lâm nghiệp trong tương lai hoặc sử dụng vào mục đích kinh tế khác để nâng cao hiệu quả kinh tế đất.

- Số giờ nắng các tháng trong năm: Xuyên Mộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng là nhiệt độ bình quân cao đều quanh năm (26,30C) tổng tích ôn lớn (94680C). Số giờ nắng trong năm là 2500 giờ trong đó có đến 7 tháng có số giờ nắng lớn hơn 200 giờ/tháng, năng lượng bức xạ cao nên rất thích hợp cho các cây ưa sáng đạt hiệu suất quang hợp cao. Đây là lợi thế cho việc tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là các cây ngắn ngày.

- Lượng mưa các tháng trong năm: Một năm có 2 mùa trong đó mùa mưa thực sự thường bắt đầu từ ngày 16/5 - 21/5 và kết thúc ngày 15/10 – 28/10. Số ngày trong mùa mưa thực sự từ 150-160 ngày/năm, với lượng mưa từ 1200 – 1400 mm (chiếm 90% lượng mưa cả năm) đây chính là thời gian canh tác an toàn cho kiểu sản xuất từ nước trời cũng là vụ sản xuất chính trong năm của nông nghiệp huyện Xuyên Mộc.

3. Dân số phân theo giới tính

Dân số trung bình năm 2010 của huyện Xuyên Mộc là 135.662 người, mật độ dân số: 210 người/km2 chỉ bằng 42% mức trung bình mật độ dân số của tỉnh BR-VT (500 người/km2) nên Xuyên Mộc được xem là huyện có mật độ người thưa; dân số khu vực thành thị có 13.280 người (chiếm 9,8% dân số), dân số nông thôn: 122.382 người (chiếm 90,2%). Tốc độ tăng dân số (2001-2010) là 0,9% năm.

Mật độ dân số cao nhất là thị trấn Phước Bửu: 1.443 người/km2 gấp 18 lần so với nơi có mật độ dân số thấp nhất là xã Tân Lâm: 79 người/km2.

4. Ngân sách huyện

 - Tổng thu ngân sách: Từ năm 2000-2010 được thể hiện: bình quân một năm thu ngân sách trên địa bàn: 102,2 tỷ đồng. Các nguồn thu của huyện bao gồm: Thu từ các Xí nghiệp quốc doanh địa phương, thuế ngoài quốc doanh, thuế chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và phí các loại, các nguồn thu ngân sách khác.

- Tổng chi ngân sách: (2005-2010) bình quân mỗi năm chi 213 tỷ đồng. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển còn thấp so với chi thường xuyên, đây là tín hiệu cần quan tâm để điều chỉnh nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế.

5. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

- Giá trị sản xuất nông nghiệp: năm 2010 đạt 660,20 tỷ đồng (trồng trọt 470,6 tỷ đồng, chăn nuôi 187,3 tỷ đồng, dịch vụ 2,4 tỷ đồng), tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 đạt 4,44%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp: Năm 2010 trồng trọt chiếm 58,4%, chăn nuôi 41,4%, dịch vụ 0,2%. Giai đoạn 2006 - 2010, chăn nuôi phát triển mạnh so với trồng trọt. Huyện Xuyên Mộc nằm trong vùng có điều kiện để phát triển chăn nuôi nhất là chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, heo siêu nạc, gia cầm nuôi tập trung.

- Trồng trọt: Trồng trọt luôn giữ tỷ trọng cao trong cơ cấu GTSX nông nghiệp, mức tăng trưởng bình quân (giá so sánh 1994) đạt 0,5%/năm. GTSX ngành trồng trọt (theo giá cố định năm 1994) năm 2010 là 470,57 tỷ đồng (chiếm 71,3 GTSX nông nghiệp).

- Chăn nuôi: GTSX ngành chăn nuôi (giá so sánh năm 1994) năm 2010 là 187,25 tỷ đồng tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 21,58%. Sản xuất ngành chăn nuôi đã có bước phát triển hơn trước đặc biệt là đàn bò thịt, đàn heo, đàn gia cầm,…sử dụng thức ăn công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến và cải tiến công tác thú y đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhằm giải quyết nhu cầu thực phẩm tại chỗ và phục vụ tốt du lịch, từng bước đưa chăn nuôi phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa quan trọng của huyện.

- Thủy sản: GTSX (theo giá so sánh năm 1994) ngành thủy sản đạt tương đối cao, năm 2010 đạt 165.700 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 5,1%/năm. Năm 2010 GTSX thủy hải sản chiếm 19,52% trong cơ cấu GTSX nông – lâm – ngư nghiệp của huyện (giá năm 1994).

- Lâm nghiệp:   Huyện Xuyên Mộc có diện tích rừng lớn nhất tỉnh BRVT (chiếm 51,7%). GTSX lâm nghiệp năm 2010 là 22.800 triệu đông (theo giá 94), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 2,37%/năm. Sản xuất ngành lâm nghiệp tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là trồng mới rừng sản xuất, rừng phòng hộ và bảo vệ rừng hiện có gắn liền với định cư, định canh.

6. Công nghiệp

GTSX công nghiệp-TTCN (theo giá năm 1994) năm 2010 đạt 290.000 triệu đồng, mức tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13,5%. Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế của huyện năm 2010 chiếm 15,65%/năm.

Những ngành công nghiệp chủ yếu là sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, sản xuất công cụ cầm tay, mộc gia dụng, sửa chữa cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đất, san lấp mặt bằng, xay xát lương thực, chế biến thủy hải sản, chế biến hạt điều.

7. Thương mại, du lịch, dịch vụ

- GTSX thương mại – dịch vụ (giá cố định năm 1994) năm 2010 đạt 535.700 triệu đồng, mức tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 11,87%/năm. Thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu GTSX, năm 2010 chiếm 28,9%. Nếu tính theo giá hiện hành, GTSX thương mại dịch vụ năm 2010 chiếm 25,66% trong tổng GTSX các ngành.

- Đối với ngành du lịch tính đến tháng 6/2011, trên địa bàn huyện đã có 99 dự án đầu tư du lịch với tổng diện tích 3.909,23ha, tổng số vốn đăng ký là 17.274 tỷ đồng và 4, 734 tỷ USD. Du lịch là thế mạnh của Xuyên Mộc mà ít nơi nào có được như du lịch thăm quan, tắm biển, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp chữa bệnh… tuy nhiên đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng và kêu gọi đầu tư nên kinh tế du lịch chưa phát huy hết tiềm năng.

8. Vận tải, bưu chính, viễn thông

Toàn huyện có một bưu điện trung tâm  thị trấn Phước Bửu và 05 bưu điện văn hóa xã; về hệ thống mạng lưới có tuyến cáp từ huyện kéo xuống 13/13 xã, thị trấn và 01 cụm thuê bao tập trung. Tổng số máy trên địa bàn huyện là 12.680 máy, bình quân 9,5 máy/100 dân.

9. Giáo dục, y tế, văn hóa và mức sống

- Số trường mẫu giáo, số giáo viên và học sinh: Tổng số xã thị trấn có trường mầm non là 13 đơn vị với 20 trường có tổng cộng 114 phòng học; tổng số trẻ em nhà trẻ là 4.092 em, mẫu giáo là 6.305 em, với tổng số 200 nhóm lớp. Tổng số giáo viên mầm non là 304 người.

- Trường học, lớp học, giáo viên, học sinh phổ thông:

+ Tiểu học: Toàn huyện có 30 trường (39 điểm trường) tiểu học trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Tổng số 504 lớp học có 13.310 học sinh với 707 giáo viên.

+ THCS: Toàn huyện có 13 trường THCS trong đó có 2 trường đạt chuẩn quốc gia với 340 lớp học và tổng số học sinh THCS là 11.120, tổng số thầy cô giáo cấp THCS là 635 người.

+ THPT: Toàn huyện có 5 trường THPT với 130 lớp học, có tổng số 5.721 học sinh, tổng số thầy cô giáo là 258 người.

Tổng số học sinh phổ thông các cấp là 30.583 em (năm 2010). Hoàn thành cơ bản phổ cập THCS theo độ tuổi trên phạm vi 13/13 xã. Có 7 trường đạt chuẩn quốc gia là (Mầm non 3 trường, tiểu học 2 trường, THCS 2 trường).

- Trường học, lớp học, giáo viên, học sinh dạy nghề, cao đẳng, đại học: Toàn huyện có 1 trung tâm dạy nghề hướng nghiệp và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, hàng năm đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động trẻ, tuy nhiên quy mô còn nhỏ và phát triển chưa mạnh.

- Cơ sở phòng và chữa bệnh, cán bộ y tế: Cơ sở y tế của huyện bao gồm: Trung tâm y tế huyện quy mô 100 giường, đặt tại thị trấn Phước Bửu và 2 phòng khám đa khoa (20 giường) song đã xuống cấp, cần được tu bổ và 12 trạm y tế xã (20 giường) cần được nâng cấp theo chuẩn quốc gia.

Số giường bệnh trên một vạn dân là 7,4 (tỉnh BR-VT là 12,7), số bác sỹ trên 1 vạn dân là 22,2 người. Tổng số cán bộ quản lý, chuyên môn ngành y tế là 257 người, trong đó bác sỹ tuyến xã có 10 người, tuyến huyện 20 người.

10. Định hướng phát triển huyện trong thời gian tới

a. Về Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp: Phát triển Công nghiệp - TTCN trên cơ sở hỗ trợ ngành nông nghiệp, tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản, chế biến hải sản, chế biến thức ăn gia súc, tận dụng tốt nhất nguồn nguyên liệu tại chỗ (cao su, điều, trái cây, thủy hải sản), đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, mở thêm một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp các vật phẩm lưu niệm phục vụ ngành du lịch, mở rộng tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, góp phần tích cực vào việc làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

b. Về nông lâm ngư nghiệp:

- Nông nghiệp: Tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu (cao su, hạt điều, hồ tiêu, cà phê và thủy sản) để đầu tư cho ứng dụng công nghệ mới và chế biến sâu; đồng thời chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phục vụ cho du lịch và dịch vụ du lịch với những sản phẩm chất lượng và giá trị cao với việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất chế biến (các loại rau, quả, nấm, thủy sản, hoa, cây cảnh...).

- Lâm nghiệp: Nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn và ven biển, tăng độ che phủ và cải thiện điều kiện môi trường, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ đất phục vụ sản xuất và đời sống, kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Ổn định diện tích rừng tập trung, tăng cường trồng cây phân tán. Gắn phát triển kinh tế rừng với củng cố an ninh quốc phòng, đồng thời xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Thủy sản: Phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tăng sản phẩm hàng hóa và giá trị sản lượng cũng như thu nhập trên 1 đơn vị diện tích mặt nước. Tăng cường đầu tư phương tiện tàu thuyền, ngư cụ, tổ chức lại nghề khai thác hải sản mà chủ yếu là 2 xã Bình Châu và Phước Thuận, mở rộng ngư trường, tăng cường khai thác thủy hải sản xa bờ và giảm bớt gần bờ.

c. Về ngành  dịch vụ:

+ Thương mại: Nâng cao khả năng kích cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường, thực hiện liên doanh liên kết, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở vât chất nhất là các chợ đầu mối, chợ nông thôn, xây dựng trung tâm thương mại thị trấn Phước Bửu và các khu đô thị mới. Phát triển mạnh thương mại (hệ thống bán buôn và bán lẻ), nhà hàng, khách sạn, các ngành bưu chính viễn thông, vận chuyển (hàng hóa và hành khách), dịch vụ y tế, bảo hiểm, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

+ Du lịch: Là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch với nhiều loại hình phong phú tạo nên sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, ổn định và bền vững. Xây dựng mối liên kết hợp lý các điểm và khu du lịch của huyện với tỉnh và khu vực, hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn và mới lạ. Phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

d. Về văn hóa - xã hội

+ Giáo dục và đào tạo: Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục THPT gắn với hướng nghiệp và đào tạo nghề. Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho khu vực nông thôn để thực hiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Chuyển hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Phấn đấu đến năm 2015 có 80% số trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2020 là 90%.

+ Y tế: Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng y tế cộng đồng, phát triển y tế dự phòng. Nâng cấp trung tâm y tế huyện lân quy mô 200 giường, nâng cấp trạm y tế xã đến năm 2015 có 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.

+ Văn hóa - thông tin: Nâng cao chất lượng và tính chiến đấu của công tác thông tin tuyên truyền, thông tin nhanh các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói thông tin cho người dân vùng sâu vùng xa. Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa với 100% số hộ tham gia, đạt chuẩn văn hóa năm 2015 là 98,5%.

Huyện Xuyên Mộc
In trang Quay lại Lên trên

  
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.874.165 - Fax: (84.064) 3.874.165
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu