Trong năm 2020 vừa qua, với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình dịch bệnh covid-19, một số mặt hàng nông sản không ổn định, nhưng với sự vận dụng hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Trung ương, sự đồng thuận, nỗ lực quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành và của người nông dân , tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc vẫn tiếp tục phát triển ổn định.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện năm 2020 ước đạt 3.230,17 tỷ đồng, so thực hiện cùng kỳ tăng 3,7 %. Trong đó, trồng trọt ước đạt 1.741,21 tỷ đồng, tăng 1,61% so với cùng kỳ; chăn nuôi ước đạt 1.473,1 tỷ đồng, tăng 6,32% so với cùng kỳ.
Đối với ngành sản xuất trồng trọt, công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sản xuất của Huyện và các địa phương thực hiện khá tốt ở tất cả các khâu về diện tích, thời vụ xuống giống, công tác thủy nông, thâm canh tăng năng suất và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Cùng với hệ thống kênh mương nội đồng bê tông hóa; tu sửa và phát quang kịp thời. Nước tưới cho các loại cây trồng từ các công trình thủy lợi được đảm bảo. Cây ngắn ngày được gieo trồng với tổng diện tích ước đạt 9.061,5 ha, bằng 95,68% so với cùng kỳ. Tổng diện tích cây dài ngày ước đạt 25.823,9 ha, bằng 99,56% so với cùng kỳ. Các loại cây trồng nhìn chung cho thu hoạch ổn định, năng suất các loại cây ngắn ngày trong vụ đều đạt kế hoạch. Sản lượng lương thực ước đạt 19.196 tấn, bằng 98,23% so với cùng kỳ, sản lượng mỳ ước đạt: 75.950 tấn, bằng 97,37% so với cùng kỳ… Đã có sự dịch chuyển giữa các loại cây dài ngày, những loại cây có hiệu quả kinh tế thấp, trồng trên loại đất chưa phù hợp như: cây điều, cây cao su, cây tiêu được chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. Sản lượng cây ăn trái trong năm vừa qua ước đạt hơn 5.650 tấn, tăng 9,25% so với cùng kỳ, sản lượng cà phê ước đạt: 538,2 tấn, tăng 0,22% so với cùng kỳ, sản lượng hạt điều ước đạt: 5.652,5 tấn, bằng 95% so với cùng kỳ… Giá cả một số mặt hàng nông sản như lúa, hạt điều… cao hơn so với năm trước, nông sản sản xuất ra đều được tiêu thụ hết.
Hiện nay, người dân ngày càng quan tâm đến việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như xây dựng nhà màng, nhà lưới.. để trồng rau và trồng nấm ăn. Hệ thống tưới nước tự động được đầu tư vào sản xuất trồng trọt góp phần giảm công lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Có thể kể đến những mô hình tiêu biểu như : mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAp ở xã Bình Châu ; Hợp tác xã Nhân Tâm trồng nhãn xuồng theo quy trình VietGAP với diện tích khoảng 6 ha; HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương Mại – Du lịch Bàu Mây sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích khoảng 15 ha. Hiện nay HTX sản xuất nhiều loại sản phẩm từ cây tiêu để cung cấp ra thị trường như: tiêu muối; tiêu đỏ, tiêu xay…
Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện được trưng bày
tại triển lãm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII.
Đối với ngành chăn nuôi, thú y, thường xuyên được quan tâm, chỉ đạo và có sự phát triển ổn định. Trên địa bàn huyện có nhiều trang trại heo thịt có qui mô lớn từ 5.000 - 10.000 con/trang trại; heo nái từ 1.200- 2.400 con/trang trại, 30.000 - 160.000 con gà/trang trại. Toàn huyện có tổng đàn heo gồm 144.500 con, tăng 2,1% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm gồm 950.000 con, tăng 15,15% so với cùng kỳ. Sản phẩm chăn nuôi đạt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ. Tất cả 44 trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đều đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi như sử dụng hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động và bán tự động, sử dụng hệ thống máy làm mát.
Trong năm 2020 trên địa bàn Huyện không xảy các dịch bệnh lớn trên gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, cúm, heo tai xanh. Chỉ xảy ra 05 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh Dịch tả heo Châu Phi buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 5.000 kg. Công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc chuồng trại được triển khai thực hiện nhiều đợt trong năm. Việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật được quản lý chặt chẽ, thường xuyên. Việc tái đàn heo ở các hộ chăn nuôi được thực hiện nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Năm 2021, để đảm bảo ngành sản xuất trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, huyện Xuyên Mộc đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch và đề ra giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm. Đối với ngành trồng trọt, huyện đã xây dựng Kế hoạch sản xuất và chỉ đạo theo vụ sát với thực tế của từng địa bàn xã, thị trấn; khuyến cáo người dân không sử dụng giống mỳ đã bị nhiễm bệnh khảm lá; mời gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, liên kết với nông dân để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong chuỗi giá trị giữa sản xuất thu mua tiêu thụ sản phẩm hạt tiêu…Đối với ngành chăn nuôi, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bệnh dại động vật; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện…
Quế Kim – TTVH huyện Xuyên Mộc