Đến thăm gia đình cô Hồ Thị Hậu, ngụ tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, một trong những điển hình nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo của xã nhờ mô hình trồng tre lấy măng, chúng tôi được tham quan vườn tre Tứ Quý của gia đình cô với hơn 300 gốc đang phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định. Được biết nhờ vườn tre này mà 04 năm trở lại đây, gia đình cô Hậu đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn, thu nhập từ bán măng và tre giống trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Vườn tre Tứ Quý của cô Hồ Thị Hậu.
Những năm trước đây, với hơn 3 sào đất, cô Hậu đã trồng các loại cây như bắp, mỳ, sương sâm, rồi đến các loại rau quả như mướp, bí, đậu rồng...nhưng hiệu quả không cao, thu nhập rất bấp bênh, cuộc sống gia đình cô gặp nhiều khó khăn. Đứng trước bài toán phát triển kinh tế gia đình, cô Hậu đã có nhiều trăn trở, không biết trồng loại cây gì vừa dễ chăm sóc vừa cho thu nhập cao. Cho đến khi nghe một người quen đề cập đến mô hình trồng tre lấy măng, nhận thấy đây là hướng đi hay, không cần nhiều vốn đầu tư nên cô đã quyết định chuyển đổi cây trồng trên mảnh vườn gia đình mình.
Với kinh nghiệm trồng trọt nhiều năm qua, cộng với sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, vườn tre của cô Hậu đã phát triển tốt và tính đến nay đã cho thu hoạch được 04 năm. Cô Hậu cho biết, sau 04 tháng trồng thì tre lên măng, sau 08 tháng là cho thu hoạch. Giống tre cô trồng là tre Tứ Quý nên cho măng quanh năm. Với giá măng hiện tại là 40.000đ/kg thì mỗi tháng thu nhập của cô khoảng hơn 10 triệu đồng. Theo cô Hậu, trồng măng ít phải lo về giá cả, vào thời điểm mùa mưa măng lên nhiều thì giá măng tươi sẽ thấp hơn vào mùa khô nhưng khi đó người nông dân có thể phơi măng khô để bán được giá cao hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng tre lấy măng, cô Hậu cho biết tre Tứ Quý là loại cây dễ trồng, không kén đất, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần đảm bảo nước tưới cho cây vào mùa khô, bón phân định kỳ là cây sẽ cho thu hoạch quanh năm. Người trồng nên lắp đặt hệ thống tưới một cách khoa học để tiết kiệm thời gian và công sức cho việc tưới cây.
Cô Hậu chia sẻ về cách để tre giống, việc bán tre giống cũng đem lại cho cô nguồn thu nhập đáng kể.
Nhờ xác định được hướng đi đúng mà giờ đây, gia đình cô Hậu đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống, 2 người con của cô đã có gia đình và được cô hỗ trợ vốn để làm ăn sinh sống. Cô Hậu không giấu được sự vui mừng vì hiện tại cô vừa có thu nhập ổn định, lại vừa có thời gian để tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt đối với những người muốn vươn lên phát triển kinh tế bằng mô hình mà cô đang áp dụng thì cô sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật và những kinh nghiệm mà cô đã tích lũy được.
Ông Dương Tấn Linh - Chủ tịch Hội nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, mô hình trồng tre lấy măng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Ưu điểm của mô hình này là ít vốn đầu tư, không đòi hỏi kỹ thuật cao và có đầu ra ổn định nên bà con nông dân có thể dễ dàng áp dụng để khai thác hiệu quả diện tích đất của mình, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.