Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học là vấn đề luôn được ngành Giáo dục và đào tạo đặt lên hàng đầu. Trong đó, bậc học mầm non có trách nhiệm lớn vì công việc VSATTP có liên quan đến tổ chức ăn tập thể cho trẻ em mầm non. Xác định tầm quan trọng của công tác đảm bảo VSATTP trong cơ sở giáo dục mầm non, nhiều năm qua, trường Mầm non 1/6, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc luôn quan tâm, thực hiện đúng tất cả các quy định về VSATTP, bữa ăn bán trú luôn đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng cho các cháu.
Khu vực cắt thái thực phẩm.
Đến thăm trường Mầm non 1/6 khi các nhân viên nấu ăn của trường đang chuẩn bị bữa trưa cho trẻ, tôi nhận thấy khu vực bếp sạch sẽ, các dụng cụ chế biến, xoong nồi đựng thức ăn được sắp xếp gọn gàng, tất cả nhân viên nhà bếp đều trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, nón... trong khi chế biến thực phẩm.
Khu vực chế biến thức ăn.
Cô Phạm Thị Bạch Tuyết, Hiệu trưởng trường Mầm non 1/6 cho biết: Nhà trường có tỷ lệ trẻ ăn bán trú 100% với gần 400 trẻ. Mỗi ngày trẻ được ăn 2 bữa tại trường. Để đảm bảo VSATTP, khu vực bếp được xây dựng theo quy trình “ một chiều” từ khâu sơ chế đến khâu phân chia thức ăn. Dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín được sử dụng riêng biệt, thực hiện chế độ ghi chép, lưu mẫu hàng ngày theo quy định. Nhân viên cấp dưỡng thường xuyên dự giờ ăn các lớp để rút kinh nghiệm trong chế biến và điều chỉnh thực phẩm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng để đảm bảo VSATTP trong các bữa ăn và được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều ký hết hợp đồng cụ thể với cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thường xuyên kiểm tra số lượng, chất lượng thực phẩm, tránh tình trạng nghiệm thu thực phẩm kém chất lượng, thiếu số lượng.
Giờ ăn trưa của các cháu trường Mầm non 1/6.
Vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch cũng được Ban giám hiệu nhà trường hết sức chú trọng như: công trình nhà vệ sinh cách xa khu vực bếp; hệ thống cấp thoát nước hợp vệ sinh; đặc biệt trong thời gian có dịch bệnh, nhà trường thực hiện khử khuẩn và vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ, lớp học, bàn ghế hàng ngày.
Trong công tác nuôi dạy trẻ, các cô giáo đặc biệt chú trọng giáo dục trẻ kỹ năng vệ sinh cá nhân, hình thành nề nếp, thói quen, hành vi văn minh cho trẻ. Trước mỗi bữa ăn, các cô giáo cho trẻ xếp hàng rửa tay bằng xà phòng đúng cách, sử dụng khăn lau tay riêng biệt, ly uống nước của mỗi trẻ cũng có ký hiệu dễ nhớ để trẻ dễ dàng phân biệt. Việc giáo dục VSATTP cho trẻ còn được các cô lồng ghép vào các hoạt động vừa chơi vừa học.
Các cháu tham gia Hội thi “ Bé tập làm nội trợ” do nhà trường tổ chức.
Ngoài ra, nhà trường còn tuyên truyền cho các bậc phụ huynh học sinh những kiến thức về dinh dưỡng, VSATTP thông qua các tranh ảnh, áp phích về VSATTP tại các bảng tin, góc tuyên truyền của nhà trường và phát trên loa truyền thông của nhà trường vào buổi sáng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con trẻ.
Nhằm thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng, chống béo phì cho trẻ, nhà trường đã đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng; quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ, sử dụng phần mềm Vietec trong việc xây dựng thực đơn, khẩu phần nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ; thực hiện đầy đủ việc cân đo và khám sức khỏe cho trẻ, theo dõi cân nặng, chiều cao định kỳ theo biểu đồ tăng trưởng.
Bằng những biện pháp thiết thực trên, trường Mầm non 1/6 đã đạt được những kết quả cao trong công tác đảm bảo VSATTP, công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ăn bán trú tại trường. Trong các năm qua chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm đều dưới 2%. Theo cô Phạm Thị Bạch Tuyết, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non là một công việc đòi hỏi trách nhiệm cao vì đây là độ tuổi trẻ còn rất non nớt và nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục mầm non thì hậu quả sẽ rất lớn. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác đảm bảo VSATTP trong nhà trường, chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non, kết hợp hoạt động giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe và tăng cường các hoạt động thể lực nhằm phát triển toàn diện cho trẻ.