Việc sản xuất từng bước được thực hiện theo hướng VietGAP, GlobalGAP.
Vụ này Đồng bằng sông Cửu Long gieo giống xác nhận, thích nghi cao với điều kiện thời tiết, thủy văn, chất lượng cao, được thị trường trong nước chấp nhận và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Quy trình canh tác được xây dựng dựa trên quy trình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, được hoàn thiện thông qua việc phân tích, đánh giá từ việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa.
Chuỗi cung ứng lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ cũng được theo dõi, ghi chép và phân tích trên cơ sở đề xuất và xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo hiệu quả, nâng cao dần giá trị hạt gạo, trong đó chú ý phân phối lợi nhuận ngày càng cao hơn cho người sản xuất.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cho biết vụ lúa Đông Xuân năm nay, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân diễn ra chặt chẽ hơn thông qua các hợp đồng doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa. Đến thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp cam kết mua lúa hàng hóa của nông dân với giá cả phù hợp. Hiện diện tích mỗi cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 300-1.000ha, phù hợp với điều kiện về hạ tầng, liền canh, thuận tiện trong canh tác, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến đồng loạt, thu mua, vận chuyển lúa hàng hóa.
Đến nay, trên các cánh đồng mẫu lớn Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch trên 20.000ha lúa đông xuân.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá lúa tươi (loại thường) tại đồng bằng sông Cửu Long mua tại ruộng có giá 5.000 đến 5.400 đồng/kg; lúa khô tại kho (loại thường) từ 5.500 đến 5.600 đồng/kg; lúa khô chất lượng cao từ 5.700 đến 5.800 đồng/kg. Còn theo Bộ Tài chính, với giá thành sản xuất lúa bình quân 3.769 đồng/kg, tính ra nông dân có lãi từ 32 đến 53%. So với những thửa ruộng không nằm trong cánh đồng mẫu lớn, những thửa ruộng trong mô hình này cho lợi nhuận cao hơn từ 1 đến 4 triệu đồng/ha./.