Nếu như những năm trước, rơm rạ sau thu hoạch người nông dân bỏ lại đồng ruộng để cho hoặc đốt bỏ, thì hiện nay rơm rạ trở nên khan hiếm và được chủ ruộng bán lại cho thương lái với giá từ 700.000đ – 1.000.000đ/ha.
Anh Kiều Văn Chín, một nông dân làm nghề mua bán rơm rạ, ở ấp Xóm Rẩy, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, cho biết: trước nhu cầu rất lớn về rơm rạ để phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng trọt của nhân dân, thì dịch vụ mua bán rơm rạ cũng theo đó được hình thành. Hiện nay, rơm rạ được bán với giá từ 600.000đ – 800.000đ/1 xe máy xới nhỏ, tùy theo quản đường xa gần. Để có rơm rạ chở đi bán thì ngay từ khi người nông dân mới bắt đầu gieo xạ, anh phải đi gạ gẫm hỏi mua rơm rạ của chủ ruộng, với giá từ 700.000đ – 800.000đ/ha và đến khi lúa chín, anh phải trả thêm tiền cho chủ máy gặt đập liên hợp từ 200.000đ-300.000đ/ha, để nhờ các chủ máy gặt đập liên hợp cắt sát gốc lúa vì cắt sát gốc thì mới lấy được nhiều rơm rạ, trung bình mỗi ha lúa cũng chỉ lấy được 5-6 xe rơm rạ.
Anh Nguyễn Văn Út, một nông dân làm nghề mua bán rơm rạ, cho biết thêm: riêng vụ Đông – Xuân này anh và 3 người bạn nữa cùng nhau làm nghề mua, bán rơm rạ, khách hàng của các anh từ các xã lân cận trong huyện đến tận tỉnh Bình Thuận. Đa số rơm rạ mua về nhằm phục vụ cho việc ủ gốc Thanh Long, ủ gốc Rau Cải và làm thức ăn cho gia súc. Người mua ít 1-2 xe, người mua nhiều 40 – 50 xe. Và vụ này anh và 3 người bạn nữa đã bán được khoảng 140 xe, với giá trung bình 600.000đ/xe, sau khi trừ chi phí, mỗi anh kiếm khoảng 10 đến 12 triệu đồng.
Không riêng gì anh Chín, anh Út, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 18 đến 20 hộ làm nghề mua bán rơm rạ. Sự khan hiếm và nhu cầu tiêu thụ rơm rạ tăng mạnh, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các thương lái xảy ra. Một số thương lái đã đẩy giá mua rơm rạ của chủ ruộng lên 1 đến 1,2 triệu đồng/ha nhưng số lượng rơm rạ mua được của chủ ruộng vẫn rất hạn chế./.