Những trang trại nằm sát nhà dân nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Nước, chất thải không có mùi khó chịu. Lợn chẳng cần tắm rửa, chẳng “ngán” bệnh tật, ăn rồi lớn như thổi.
Đó là kết quả thành công bước đầu của dự án đưa mô hình đệm lót sinh học (ĐLSH) vào trong chăn nuôi.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tâm đắc mô hình chăn nuôi trên nền ĐLSH
Hiệu quả
Chúng tôi đã về thăm một vài mô hình ĐLSH tại xã Nhân Chính (Lý Nhân, Hà Nam). Chủ trại lợn là ông Ngô Văn Thêm, thôn Hạ Vỹ chia sẻ, gia đình mới áp dụng mô hình này được 5 tháng. Trên nền đất diện tích 230 m2, ông Thêm đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, lợp mái fi bờ rô xi măng.
“Mỗi mét vuông, tỉnh, huyện hỗ trợ gia đình tôi 200 nghìn đồng. Tổng số tiền tôi được hỗ trợ bây giờ là 29 triệu đồng”. Ông thêm nhẩm tính, chi phí đầu tư cho mô hình ĐLSH chỉ “nhỉnh” hơn mô hình cũ chừng 10%. Tuy nhiên, hiệu quả mà mô hình ĐLSH đem lại ngoài sức tưởng tượng của ông Thêm.
Do nền ĐLSH luôn có độ ẩm nên chuồng trại thoáng mát tự nhiên, lợn không cần tắm rửa. Cả lứa, gia đình ông chỉ mất đúng 2.000 đồng tiền thuốc thú y cho mỗi đầu lợn. Với mô hình cũ, phải từ 6 - 7 tháng, lợn nuôi mới có thể xuất chuồng. Nhưng nay chỉ sau 4 tháng, ông đã xuất gần 50 đầu lợn, trọng lượng trung bình trên 1 tạ. Với giá bán trung bình 42 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí, mỗi con lợn ông Thêm lãi khoảng 300 nghìn đồng.
“Hiệu quả lắm chú ạ, việc nuôi lợn chưa bao giờ dễ như vậy. Lợn ít bệnh tật, hay ăn chóng lớn mình giảm được bao nhiêu chi phí. Cái chính là nó không gây ô nhiễm môi trường. Chú vào thăm đâu có thấy mùi đúng không”, ông Thêm hồ hởi.
Từ tháng 3/2013, gia đình anh Ngô Đăng Thể (thôn Hạ Vỹ) cũng đầu tư xây dựng trại lợn trên nền ĐLSH. Từ 30 m2 ban đầu, trại lợn nhà anh Thể nay được mở rộng thành 90 m2. Chị Thưởng (vợ anh Thể) cho biết, trước đây gia đình cũng nuôi lợn với quy mô lớn nhưng đã phá sản sau trận dịch tai xanh. Thấy mô hình hay, hai vợ chồng anh lại hùn vốn, gây dựng lại cơ nghiệp chăn nuôi.
“Nuôi lợn giờ đỡ bệnh hẳn chú ạ, mùi phân không còn. Nhưng mỗi tội mô hình này không nuôi được dày như trước đây. Trung bình 15 m2 chỉ nuôi cùng lắm là 8 con lợn”, chị Thưởng chia sẻ. Với 15 phút, việc dọn chuồng có nền ĐLSH một loáng là xong. Công việc này trước đây ít nhất phải một tiếng đồng hồ. Lứa lợn đầu tiên, vợ chồng anh Thể đã thu lãi 26 triệu đồng. Vợ chồng anh khẳng định, nếu có đất, sẽ tiếp tục mở rộng trang trại dù không được nhà nước hỗ trợ vốn.
Chúng tôi đi quá một đoạn, cách trại lợn nhà anh Thể chừng 30 mét, mùi xú uế bốc lên khủng khiếp từ một trại lợn chăn nuôi theo mô hình cũ.
Người nuôi lợn ở Hà Nam hào hứng với ĐLSH
Cú hích
Mới đây, tại Hà Nam, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Hà Nam tổ chức tổng kết 3 năm chăn nuôi trên nền ĐLSH. Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBTW MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng. Đại diện Bộ KH-CN, Cục Chăn nuôi (Bộ NN- PTNT) cùng đại diện 30 Sở NN-PTNT cả nước cũng tham dự Hội nghị.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho biết, năm 2013, cả nước có tổng đàn trâu là 2,6 triệu con, đàn bò 5,2 triệu con, đàn lợn 26,3 triệu con và đàn gia cầm là 314,7 triệu con. Theo đó, sản lượng chăn nuôi và cơ cấu sản phẩm đều tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, so với chăn nuôi trang trại, hình thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ trọng tương đối lớn.
Tính đến tháng 11/2013, 40/63 tỉnh thành trong cả nước đã có mô hình áp dụng ĐLSH trong chăn nuôi. Trong đó có 752 trang trại và trên 61 nghìn hộ gia đình áp dụng với tổng diện tích 5,74 triệu m2 ĐLSH.
Công nghệ này đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nam với 3.000 hộ, Bắc Giang 208 trang trại và 49 nghìn hộ. Các tỉnh phía Nam đang trong giai đoạn phát triển mô hình, bước đầu gặp một số khó khăn về công nghệ, nguyên liệu và quy trình áp dụng...
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, những năm qua, tỉnh này lấy chăn nuôi và thủy sản làm đột phá để phát triển kinh tế. Tổng đàn gia cầm đạt 6 triệu con, 400.000 con lợn. Tuy nhiên những mô hình mới chỉ dừng lại ở chăn nuôi nông hộ, phân bố trong các khu dân cư. Mỗi năm những trang trại này thải ra khoảng 815.000 tấn chất thải rắn, 5 triệu m3 chất thải lỏng.
“Quan trọng nhất là chúng ta đã công nhận chế phẩm BALASA N01, đưa vào SX. Tìm ra lối thoát cho chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư. 3 năm qua, chúng ta vừa nghiên cứu vừa hoàn thiện cơ chế chính sách, KH-CN, chỉ đạo điều hành… nhân mô hình ra 40 tỉnh, thành trong cả nước”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
|
Năm 2013, tỉnh Hà Nam đã xây dựng được 3120 mô hình ĐLSH, năm 2014 thêm hơn 300 mô hình. Bước đầu khắc phục ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, hạn chế dịch bệnh… Mô hình giúp nâng cao thu nhập, hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Đại diện Sở NN-PTNT Hà Nam phân tích, lợi nhuận chăn nuôi lợn trên ĐLSH cao hơn chăn nuôi truyền thống từ 130 - 180 nghìn đồng/con/lứa. Lợn tăng trưởng tốt hơn, giảm mức độ tiêu tốn thức ăn, giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thuốc thú y và điện nước… Đối với gia cầm, cứ 1.000 gà thịt, lợi nhuận tăng thêm 10,6 triệu đồng. Gà chăn nuôi trên ĐLSH tăng trọng tốt hơn, chi phí cũng giảm xuống rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản (huyện Bình Lục, Hà Nam) Khổng Quang Chư chia sẻ, xã không thể đưa 1.150 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong địa bàn ra các khu tập trung. Trong khi chăn nuôi truyền thống gây ô nhiễm môi trường. Khiếu kiện, khiếu nại về ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Năm 2011, dự án chăn nuôi trên nền ĐLSH được một số hộ dân áp dụng. Đến tháng 3/2014, cả xã có 648 hộ chăn nuôi lợn trên nền ĐLSH với tổng diện tích 15.000 m2. Đợt 2 năm 2014 tiếp tục triển khai thêm 150 hộ với diện tích 3.600 m2. “Theo đánh giá của chúng tôi, trên 90% điểm ô nhiễm do chăn nuôi gây ra đã được giải quyết”, ông Chư thông báo.
"Tới đây Bộ sẽ phối hợp với Bộ KH-CN, Hội Nông dân, nhân rộng mô hình ĐLSH vào trong chăn nuôi theo hướng SX công nghiệp, tận dụng nguyên liệu tại địa phương, giảm giá thành để phù hợp với người dân hơn”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám.
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, 3 năm thử nghiệm mô hình ĐLSH chính là tiền đề để áp dụng vào SX và rất ủng hộ việc mở rộng mô hình, đưa các nhà khoa học vào nghiên cứu. Hà Nam chính là phòng nghiên cứu lớn nhất cho Học viện Nông nghiệp VN (Bộ NN-PTNT) về mô hình ĐLSH.
ĐLSH ngăn ô nhiễm trong chăn nuôi lợn, giảm ô nhiễm chăn nuôi gà. 3 năm qua Hà Nam không xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi. Trong quá trình triển khai, xuất hiện nhiều biện pháp cải tiến làm mát chuồng trại, thay mùn cưa bằng vật liệu khác như vỏ bào, lõi ngô.
Ông Nhân đề nghị cần nghiên cứu quyết liệt công thức các chất sinh học, hình thành cơ sở SX đồng bộ, đóng gói để bán cho người dân.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, triển khai tốt mô hình ĐLSH sẽ góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Đây là sự khích lệ, niềm tin vững chắc để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Việc cần làm lúc này là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kĩ thuật, chỉ đạo điều hành, cơ chế chính sách để nhân rộng mô hình.
Về giải pháp, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đề nghị tác giả hoàn thiện chế phẩm BALASA N01. Tiếp tục nghiên cứu, khuyến khích nhiều loại chế phẩm ứng dụng vào SX, phục vụ mô hình ĐLSH trong chăn nuôi. Nghiên cứu kết cấu chuồng trại. Nghiên cứu đề xuất đưa vào quy định 1 số đối tượng, khu vực muốn phát triển chăn nuôi phải có điều kiện, đặc biệt là môi trường. Gắn chặt chăn nuôi với xây dựng NTM. Rộng hơn là gắn với đề án tái cơ cấu ngành NN. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến nông.