Vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng đang đứng trước nhiều khó khăn do diễn biến của bệnh, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu bộc phát trong giai đoạn đầu mùa mưa. Hiện nay ở thị xã Vĩnh Châu mức độ thiệt hại lên đến hơn 46%, có nhiều vùng nuôi mức độ thiệt hại chiếm rất cao, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Ngành Thú Y đang tập trung mọi biện pháp để xác định mẫu bệnh phẩm, cấp phát Chlorine để hạn chế tình trạng lây lan.
Vùng nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu chỉ mới thả giống được hơn 7.500 ha nhưng mức độ thiệt hại đã hơn 46%, nhiều vùng nuôi bán thâm canh cao như Khánh Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phước và Hòa Đông thì mức độ thiệt hại từ 70 đến hơn 90%. Giai đoạn này, bệnh hoại tử gan tụy cấp đang bùng phát mạnh ở các vùng nuôi của thị xã. Theo kết quả xét nghiệm của Cục Thú Y vùng 6 đã phát hiện 3/3 mẫu tôm bị thiệt hại ở Vĩnh Châu đều dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp. Đây là nỗi lo của người nuôi tôm và lãnh đạo địa phương trước tình hình khó khăn của vụ nuôi năm nay. Thạc sĩ Trần Tuấn Phong, Phó Phòng Dịch Tể- Chi Cục Thú Y Sóc Trăng nhận định: “ Qua những kết quả xét nghiệm từ đầu vụ và hiện nay dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu bộc phát rất cao. Vấn đề đáng lo hiện nay là bệnh hoại tử gan tụy cấp gây thiệt hại nặng cho nông dân”
Ở ấp Khánh Nam, phường Khánh Hòa mức độ thiệt hại trên 90% , bà con nuôi tôm thật sự lo lắng trước tình hình bệnh hoại tử gan tụy cấp đang gây thiệt hại trên diện rộng. Hộ ông Lê Dũng Liệt ở Ấp Khánh Nam, tôm nuôi bị thiệt hại sau 20 ngày thả giống, mức độ thiệt hại lan rộng trong gần hai tuần qua. Vĩnh Châu là địa bàn công bố dịch bệnh đốm trắng ngay từ đầu vụ, nhưng bà con vẫn tiếp tục thả nuôi do giá tôm còn ở mức khá cao, chính vì thế mà bà con không ngưng thả giống , dù vẫn chưa công bố hết dịch bệnh. Ông Lê Dũng Liệt hộ nuôi tôm cho biết: “ Tôm tui chỉ thả mới 20 ngày đã phát bệnh, tình hình tôm bệnh hiện nay là rất nghiêm trọng, tui thấy ở đây mức độ thiệt hại trên 90%. Vì hiện nay giá tôm còn khá cao, nên bà con cứ ồ ạt thả nuôi dù dịch bệnh đang bùng phát”
Thị xã Vĩnh châu đã phân phối hết 30 tấn Chlorine cho hộ nuôi bị thiệt hại để ngăn ngừa mầm bệnh tồn lưu, người dân cũng thực hiện khá tốt việc xử lý ao nuôi bị thiệt hại. Ngành Thú Y cũng đang tập trung lực lượng xuống địa bàn để cùng nông dân ngăn ngừa dịch bệnh, tuy nhiên với mức thiệt hại như hiện nay là rất đáng lo ngại. Thạc sĩ Trần Tuấn Phong, Phó Phòng Dịch Tể- Chi Cục Thú Y Sóc Trăng khuyến cáo: Với tình hình dịch bệnh trên tôm hiện nay, bà con không nên tiếp tục thả giống một cách ồ ạt nữa mà nên phối hợp với ngành chuyên môn dập dịch, xử lý mầm bệnh.”
Vùng nuôi tôm thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang đối diện với tình hình phức tạp của bệnh đốm trắng, đen thân, hoại tử gan tụy cấp. Nông dân đã tạm ngưng thả giống để hạn chế rủi ro do mầm bệnh đang bùng phát mạnh. Hiện tôm có kích cỡ nhỏ giá giảm liên tục nên đa phần người nuôi hạn chế diện tích thả tôm thẻ chân trắng và nuôi với mật độ thấp, đây là xu thế rất tốt trước tình hình bệnh trên tôm nuôi đang có dấu hiệu thiệt hại khá nặng, không riêng ở Vĩnh Châu, mà các vùng nuôi khác như huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú cũng đang có dấu hiệu tăng lên trong thời gian gần đây.