TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tổng quan về huyện
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHoạt động UBND huyện
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 302749

  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Các vấn đề xói lở bờ biển khu vực Hồ tràm – Hồ cốc (huyện Xuyên Mộc)
03/06/2014

Với 32 km bờ biển, huyện Xuyên Mộc có nhiều bãi biển đẹp và có giá trị kinh tế cao. Trên thực tế hầu như toàn bộ tuyến ven biển đã được phủ kín bởi hàng chục dự án đầu tư với trị giá hàng tỷ USD đã và đang chuẩn bị triển khai. Tuy nhiên hiện tượng xói lở - xâm thực bờ biển và các vấn đề môi trường tại đây cũng gây nên những thiệt hại đến các dự án khu du lịch (hình 1) và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Chính quyền địa phương rất quan tâm giải quyết vấn đề này với nhiều nghiên cứu được thực hiện trong thời gian qua.

Về cơ bản các vấn đề xói lở bờ biển đòi hỏi giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng [6] là (1) Đánh giá và dự báo xói lở bờ biển; (2) Các giải pháp khắc phục xói lở bờ biển, (3) Các chính sách và luật lệ điều chỉnh sử dụng đất vùng ven biển và (4) Các chính sách gìn giữ bờ biển tự nhiên. Bằng việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu các vấn đề xói lở bờ biển khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc), đề xuất giải pháp xử lý xói lở bờ biển góp phần phát triển bền vững địa phương" vấn đề (1) và (2) đã được làm sáng tỏ một phần.

1/       Vấn đề xói lở bờ biển Hồ Tràm – Hồ Cốc

Trong thời gian 1 năm (2007) đã tiến hành khảo sát thu thập tài liệu về xói lở bờ biển khu vực Hồ Tràm – Hồ Cốc từ việc phỏng vấn những người cao tuổi sống lâu tại địa phương, các cơ quan/tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp có các công trình và khu du lịch đang hoạt động trên bãi biển đến việc đo đạc trực tiếp bằng thiết bị, thu thập các tài liệu đã có và các tư liệu không ảnh và ảnh vệ tinh trong 50 năm cuối. Kết quả đã thu thập một lượng lớn tư liệu đa dạng về xói lở bờ biển khu vực Hồ Tràm – Hồ Cốc cho phép làm sáng tỏ hiện trạng xói lở bờ biển tại khu vực này như sau:

a)       Trong thời gian 50 năm (1953-2003) vị trí đường bờ biển khu vực nghiên cứu liên tục thay đổi và vùng biến động mạnh nhất tại vị trí các bãi thấp thuộc xã Phước Thuận (cách mũi Hồ Tràm 3,5 km về phía tây) và khu vực Hồ Linh thuộc xã Bưng Riềng (cách Hồ Cốc 2,5 km về phía đông). Vùng bờ biển biến động có chiều rộng từ 40 m đến 320 m, rộng trung bình 90 m (hình 2). Tình trạng xói lở và bồi tụ diễn ra cục bộ, đan xen nhau trong các giai đoạn ngắn. Nhìn chung, bờ biển khu vực này ít ổn định, do cấu trúc trầm tích địa chất tầng mặt khá bở rời, dễ bị tác động rửa trôi do sóng, gió và dòng chảy ven bờ. Chính những nhiễu động của các nhân tố động lực ngoại sinh nêu trên là các nhân tố có tác động trực tiếp đến biến động địa hình vùng bờ. Sự phát triển và biến động của các địa hình dạng “ao xoáy” ở ven biển khu vực nghiên cứu là một chỉ thị cho thấy khả năng ít ổn định của đới bờ biển này (hình 3).

b)  Khu vực phía Nam sát mũi Hồ Tràm trong khoảng thời gian 30 năm cuối, đặc biệt  là 3 – 5 năm gần đây chịu xói lở và xâm thực nặng nề trên chiều dài gần 2 km từ mũi Hồ Tràm về phía cửa Lộc An, bãi biển bị thu hẹp hơn 100 m, nhiều công trình kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng bị phá hoại nặng nề gây nhiều thiệt hại về tài sản, cây cối và đất đai.

c)       Khu vực ven bờ từ mũi Hồ Tràm đến mũi Ba Kiềm với nhiều khu du lịch như khu du lịch Biển xanh, Biển Đông, Hương Phong và khu du lịch Sài Gòn Hồ Cốc gần đây bị xói lở mạnh làm hư hại hoàn toàn và hàng loạt công trình du lịch quan trọng khác cũng bị ảnh hưởng.

d)  Bờ biển khu vực nghiên cứu chịu ảnh hưởng mạnh của hiện tượng xói lở - bồi lấp theo mùa phù hợp với quy luật chung về diễn biến địa hình trong các tiểu vòng cung tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu [4].

e)       Lần đầu tiên đã có điều kiện để nghiên cứu hoạt động ao xoáy trên bãi biển Hồ Tràm – Hồ Cốc theo chu kỳ năm, nhờ đó làm rõ hơn hoạt động các ao xoáy trên bãi biển, và khẳng định được những kết quả nghiên cứu đã có về nguyên nhân và cơ chế hoạt động ao xoáy trên bãi biển bãi Sau, Tp. Vũng Tàu [1], đồng thời đã hiệu chính và chính xác hoá những vấn đề này trong điều kiện đầy đủ thông tin hơn. Về cơ bản quy luật hình thành và hoạt động của các ao xoáy tại đây tương tự như các ao xoáy bãi Sau, Tp Vũng Tàu. Tuy nhiên kích thước, phạm vi hoạt động và mật độ của các ao xoáy tại đây nhỏ so với các ao xoáy tại bãi Sau Vũng Tàu.

g) Quá trình xâm thực dài hạn do mực nước biển dâng đã đưa khối lượng phù sa lớn từ bờ ra đới ngoài. Kết quả là mất đi một lượng phù sa lớn không thể bù đắp được. Quá trình này đã gây xâm thực đường bờ hiện hữu và làm biến mất hầu như toàn bộ giồng cát tự nhiên dọc bờ được hình thành trong lần biển thoái lần cuối (hình 4), đồng thời làm xuất lộ nhiều cấu trúc cứng như đá tảng góp phần tăng cường xói lở trong khu vực. Tại khu vực khách sạn Hương Phong tầng đá gốc chỉ còn cách mặt đất khoảng 4 m được gặp trên tất cả 4 hố khoan trong dải 40 m bãi biển sát mép nước.

h)  Biến động địa hình trên bờ do tác động của các quá trình gió diễn ra khá mãnh liệt, trong điều kiện lớp phủ bề mặt trong dải ven biển bị giảm đáng kể là xói mòn và san bằng các giồng cát, đồi cát tự nhiên ven biển. Ta có thể thấy những đồi các cao lân cận mũi Hồ Tràm chịu ảnh hưởng mạnh của các quá trình gió này.

i)        Các hoạt động khai thác vùng ven biển (san lấp mặt bằng tại các khu du lịch, khai thác đá từ các đảo, mũi nhô v.v) đã làm biến đổi mạnh sinh cảnh trong vùng này. Một số công trình bảo vệ bờ biển đã được xây dựng một cách tự phát và không hiệu quả, thậm chí còn làm trầm trọng hơn tình hình xói lở.

k) Về nguyên nhân cơ bản trực tiếp gây xói lở mạnh mẽ tại khu vực Hồ Tràm - Hồ Cốc trong thời gian gần đây. Theo các kết quả điều tra trước đây mũi Hồ Tràm có tên Hòn Trào với mũi nhô cao khoảng 5 m, dài khoảng 30 m lài ra ngoài biển khoảng gần 100 m, khi nước thấp có thể đi bộ ra ngoài mũi. Khoảng 30 năm trước mũi nhô này đã bị khai thác lấy đi rất nhiều đá. Kết quả đã làm mất đi phần lớn chiều dài mũi này. Và từ sau đó quá trình xói lở bờ biển gần mũi Hồ Tràm đã diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Vì vậy có thể nhận định rằng sự mất đi của Hòn Trào là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến và gia tăng quá trình xói lở trong 30 năm gần đây tại Hồ Tràm và Hồ Cốc. Các tính toán cho thấy trong thời gian tới xói lở tiếp tục diễn ra tại khu vực 2 km phía Tây sát mũi Hồ Tràm và khu vực Hồ Cốc. Đây là những khu vực quan trọng đối với phát triển du lịch hiện nay và trong tương lai gần.

l)        Điều đáng chú ý là vào cuối tháng 9/2007 trên dải bờ biển khoảng 1 km sát mũi Hồ Tràm (thuộc thôn Hồ Tràm và đồn biên phòng) đã xuất hiện và tồn tại trong vài tuần một khối xác sinh vật phù du có mùi rất hôi bẩn. Theo kết quả điều tra trong nhân dân, thường vào cuối mùa Tây Nam có xuất hiện hiện tượng này có năm chỉ tồn tại trong vài ngày, có năm kéo dài cả tháng. Đây là vấn đề cần được cảnh báo, nghiên cứu sâu hơn để tìm các biện pháp giảm thiểu kịp thời và hữu hiệu vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường và du lịch trên bãi biển Hồ Tràm.

2/  Giải pháp tổng thể xử lý xói lở bờ biển Hồ Tràm – Hồ Cốc

Với nhiều công trình quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, trong đó nhiều dự án du lịch trị giá hàng tỷ USD đã và đang triển khai tại khu vực bờ biển huyện Xuyên Mộc rất cần thiết một giải pháp tổng thể xử lý xói lở bờ biển tại đây.

Trên quan điểm phát triển bền vững, khai thác tổng hợp vùng ven bờ và áp dụng những thành tựu mới trong lĩnh vực công trình bảo vệ bờ biển, đặc biệt là các công nghệ mềm [2, 3, 5] có thể đề xuất giải pháp tổng thể xử lý xói lở bờ biển Hồ Tràm - Hồ Cốc với 4 mục tiêu chình: (1) Chống xói lở bờ biển; (2) Cải tạo địa hình bãi biển; (3) Xử lý ao xoáy và (4) Cải tạo cảnh quan môi trường bãi biển. Giải pháp tổng thể là tổ hợp nhiều công trình với công nghệ khác nhau: Công trình đê chắn sóng, chắn cát; Các công trình bơm trung chuyển cát dọc bãi biển; Công trình bảo vệ trực tiếp và phục hồi giồng cát bằng công nghệ ProtechTub; Công trình đê giảm sóng ngầm đặt song song đường bờ bằng các kết cấu bê tông/công trình Stabiplage® hoặc công trình Geosystems; và Công trình hàng rào chắn cát Ganivelles với vai trò trung tâm của giải pháp công trình xây dựng đê chắn sóng - chắn cát khôi phục mũi Hồ Tràm. Đã đề xuất lộ trình và các biện pháp thực hiện gỉai pháp tổng thể, trong đó cần thiết tiến hành đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng kết hợp chắn cát khôi phục mũi Hồ Tràm và thực hiện các biện pháp cần thiết đánh giá hiệu quả của công trình này. Trên cơ sở đó mới tiến hành các công trình xử lý xói lở - ao xoáy tiếp theo như đã đề xuất cụ thể cho từng vị trí Hồ Tràm và Hồ Cốc.

3/  Kiến nghị.

a) Nhanh chóng triển khai xây dựng công trình đê chắn sóng khôi phục mũi Hồ Tràm với chiều dài khoảng 200 m nhằm khắc phục nguyên nhân trực tiếp gây nên xói lở vạch bờ phía Nam mũi Hồ Tràm.

b)  Cần tiến hành những nghiên cứu về (1) Các chính sách và luật lệ điều chỉnh sử dụng đất vùng ven biển; và (2) Các chính sách gìn giữ bờ biển tự nhiên để ứng phó hiệu quả với hiện tượng xói lở bờ biển. Trước mắt cần hướng dẫn, hạn chế xây dựng các công trình cứng quy mô lớn sát bờ biển: vừa dễ bị hư hỏng vừa gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xói lở bờ biển lân cận làm trầm trọng thêm hiện tượng xói lở bờ biển.

c)       Cần tìm hiểu, hướng dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại các khu du lịch ven biển nhận thức rõ về nguy cơ xói lở bờ biển, giúp họ sử dụng các giải pháp công trình hữu hiệu giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra.

d)  Những nguồn tài liệu không ảnh cho thấy những biến động lớn (đến hơn 300 m, trung bình 90 m theo chiều ngang bãi biển) của bờ biển khu vực trong thời gian 50 năm (1953-2003). Tuy nhiên nguyên nhân của những biến động này chưa có điều kiện làm rõ. Vì vậy cần thiết đầu tư nghiên cứu sâu về các nguyên nhân và cơ chế gây nên những biến động trên.

 

Hình 1. Xói lở bờ biển Hồ Cốc và những giải pháp khắc phục tạm thời

Hình 2. Biến động bờ biển Hồ Tràm – Hồ Cốc trong 50 năm (1953 – 2003)

Hình 3. Khu vực ven biển phía tây mũi Hồ Tràm nhìn từ trên cao (ảnh máy bay năm 2003). Trên hình là dấu vết các bờ biển cổ và các ao xoáy đang hoạt động

Hình 4. Phần còn lại của giồng cát đang bị xói lở bởi ao xoáy đang hoạt động

TS. Bùi Quốc Nghĩa, Cty Inova

                                                ThS. Nguyễn Đình Chương, CTV khoa học Cty Inova

In trang Quay lại Lên trên

  
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.874.165 - Fax: (84.064) 3.874.165
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu