Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan mô hình trồng gừng trong bao của ông Ông Văn Ngọc (54 tuổi), trú tại thôn 4, xã Hòa Khương (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) với những bao gừng đặt ngay hàng thẳng lối dưới tán rừng cây keo lai xanh tốt mỡ màng.
Ông Ông Văn Ngọc với mô hình trồng gừng hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngọc cho hay, trước tháng 4/2011, ông mua 2 tạ gừng giống với giá 20.000 đồng/kg về trồng trong 1.350 bao. Để năng suất gừng cao, ít sâu bệnh, ông chọn giống là loại gừng già trên 8 tháng tuổi, sạch bệnh. Gừng giống mang về ủ nơi bóng râm, tưới nước cho nhú mầm. Mỗi kg gừng giống có thể trồng được 15 - 20 bao. Dùng vỏ bao xi măng giặt sạch, đáy bao đục 2 lỗ ở 2 góc cho thoát nước. Gừng là loại cây ưa đất ẩm, không chịu úng, ưa tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng. Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ 50% đất với 50% phân chuồng hoai mục + vỏ trấu, cho vào bao xong đặt hom gừng (đã ủ nứt mầm) vào giữa bọc phủ lớp đất nhẹ chừng 2 cm, trải lên mặt lớp tro trấu cũ hoai để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Khi trời nắng thì tưới nước mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều. Sau khi trồng khoảng 40 ngày, mỗi bao gừng bón 1 muỗng NPK quanh gốc và rải lên trên gốc một hỗn hợp gồm 3 phần trấu + 1 phần phân chuồng hoai mục + 1 phần đất. Hai tháng sau bón lần thứ hai tương tự như lần trước.
Thường thì mỗi củ gừng giống khi trồng chỉ nảy từ 3 - 4 nhánh con, nhưng với cách trồng trong bao, gừng nảy rất nhiều nhánh. Mỗi nhánh là một củ gừng, sau 7 - 8 tháng có thể thu hoạch từ 1,5 đến 2 kg củ/bao. Chi phí đầu tư cho một bao gừng khoảng 3.000 đồng. Tính ra hiệu quả trồng gừng trong bao cao gấp 6 lần so với cách trồng dưới đất. Gừng trồng trong bao ít bị bệnh. Tuy nhiên, để phòng bệnh héo vàng thối rũ do vi khuẩn truyền nhiễm rất khó trị, chủ yếu là phun ngừa sau mỗi đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc định kỳ 10 - 15 ngày phun 1 lần, các loại thuốc trị nấm gốc đồng Copper zinc, Carban 50SC... Trước khi trồng gừng nên xử lý “hom gừng” bằng cách phun thuốc trừ nấm bệnh Carban 50SC, Copper zinc 85WP... Nếu bao nào bị sâu bệnh thì mang ra xa hủy bỏ, không để mầm bệnh lây lan.
Trồng gừng theo cách này khắc phục được những bất lợi về thời tiết, đất đai, không gian, sâu bệnh… cũng như “mát mẻ” cho gừng nhờ ở dưới tán rừng trồng. Ở miền núi cho tới đồng bằng đều trồng được. Nơi thấp lụt thì đặt bao gừng trên giàn. Nếu sơ tính, trừ hao hụt còn lại 1.200 bao, với giá gừng bán vào dịp tết là 40.000 đồng/kg, thì ông Ngọc sẽ thu về gần 50 triệu đồng, trong khi chi phí không bao nhiêu.