Năm 2006, tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành cơ khí, anh Đặng Văn Tuyến, SN 1985 ở thôn Đồng Cạn, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được nhận làm việc tại một công ty ở tỉnh Hưng Yên. Xa nhà, lương thấp nên chỉ đủ chi phí hằng ngày, không có tiền tích luỹ.
Khu úm chim mới nở của gia đình anh Tuyền.
Nhận thấy một số người ở cùng thôn đã khai thác điều kiện sẵn có phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng hiệu quả cao nên anh quyết chí về quê lập nghiệp. Với hơn 5 nghìn m2 đất ruộng, ao, vườn của gia đình, anh cải tạo thành hai ao nuôi cá thương phẩm kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thế nhưng, không ít lần anh nản chí, muốn bỏ nghề bởi thua lỗ.
Năm 2009, nhân một lần xem báo, anh thấy nhiều mô hình nuôi chim trĩ đỏ cho hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Vậy là anh khăn gói lên đường tìm đến một số địa chỉ để mua giống, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Ban đầu anh mua 20 cặp chim bố mẹ. Để đàn chim khoẻ mạnh, anh đặc biệt chú trọng khẩu phần ăn cho chúng. Đó là từ khi chim nở đến hai tháng tuổi cho ăn cám gà con, trộn thêm bột đậu tương nghiền nhỏ; sau hai tháng cho ăn thêm ngô, thóc ngâm nảy mầm, rau xanh.
Theo anh Tuyến thì hạt thóc nảy mầm có nhiều dinh dưỡng, vật nuôi dễ hấp thu, tiết kiệm 50% chi phí so với dùng thóc khô. Mỗi chuồng anh làm cành cho chim trưởng thành đậu, chim non tập bay, chuyền cành. Nền chuồng được rải cát để luôn khô ráo, hạn chế dịch bệnh, đỡ công dọn vệ sinh. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn chim luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh có 100 cặp chim bố mẹ, hơn 500 con chim hậu bị với 4 dãy chuồng nuôi. Ngoài ra, anh đầu tư lò ấp trứng và xây dựng khu úm chim non.
Từ đầu năm đến nay, gia đình anh cung cấp cho thị trường Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng hơn 3 nghìn chim thương phẩm, gần 5 nghìn chim giống với giá bình quân 45 nghìn đồng/con chim non mới nở; 650 nghìn đồng/con chim bố mẹ; 290 nghìn đồng/kg chim thương phẩm. Trừ chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Nói về hiệu quả kinh tế nuôi chim trĩ, anh Tuyến cho biết: "Loài vật này ít bệnh, chi phí đầu vào thấp, không tốn nhiều công nên phù hợp với hộ neo người”.