Đã thế, do thời tiết bất thuận, rất khó khăn mới đánh được cá. Từ chủ tàu đến ngư dân đều “rên như sấm” vì không có thu nhập...
Vào thời điểm này năm ngoái, giá cá ngừ sọc dưa đứng ở mức 25.000đ/kg đã khiến những tàu đánh bắt xa bờ chuyên hành nghề lưới vây rút chì ở Bình Định “trúng mánh” bao nhiêu thì năm nay, cá ngừ sọc dưa bị tuột xuống thấp đến hơn 10 giá khiến ngư dân lâm cảnh lao đao.
Ông Bùi Thanh Ninh, chủ một tập đoàn tàu cá 16 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây rút chì ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Chưa khi nào tui thấy giá cá ngừ sọc dưa hạ thấp như năm nay. Nếu thời điểm này năm ngoái, cá ngừ sọc dưa đứng ở giá 25.000đ/kg thì chuyến biển cách nay 1 tháng chỉ còn 14.000đ-15.000đ/kg, hiện bây giờ giá có nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chỉ 17.000đ/kg. Với giá này, từ chủ tàu đến những ngư dân đi bạn đều khốn đốn vì không có thu nhập”.
Theo tính toán của ông Ninh, nếu trước đây mỗi chiếc tàu nằm trong tập đoàn do ông quản lý đánh bắt mỗi chuyến biển được 10 tấn cá, với giá cá 25.000đ/kg, bán được 250 triệu đ. Sau khi trừ chi phí 150 triệu đ, còn lại 100 triệu đ chia cho dân đi bạn thành 22 phần thì mỗi bạn còn được nhận 4 triệu đ/người.
Bây giờ, với 10 tấn cá bán chỉ được 170 triệu đ. Trong khi đó chi phí không thấp đi, vẫn 150 triệu đ/chuyến biển thì sau khi trừ chi phí chỉ còn lại 20 triệu đ để chia cho 22 phần bạn, mỗi bạn tàu chỉ còn được nhận chưa đến 1 triệu đ.
“Lênh đênh trên biển gần 1 tháng trời mà khi về bờ mỗi ngư dân chỉ nhận chưa đến 1 triệu đ thì làm sao đắp đổi cuộc sống gia đình. Muốn ngư dân yên tâm bám biển, tui phải ứng tiền để họ chi phí cho gia đình”, ngư dân Bùi Thanh Ninh bộc bạch.
“Trong 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng thủy sản do ngư dân Bình Định đánh bắt đạt được 78.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt sản lượng 4.982 tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ năm ngoái. Dù giá cá thấp, đánh bắt được ít nhưng nhờ ý thức bảo vệ chủ quyền nên ngư dân quay vòng chuyến biển rất nhanh, do đó đạt sản lượng cao”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KTBVNLTS Bình Định, cho biết.
|
Cá ngừ đại dương cũng chẳng khá gì hơn. Lão ngư Nguyễn Văn An (62 tuổi), ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), là chủ của 2 chiếc tàu cá chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương gồm các tàu: BĐ 96776 TS, BĐ 95648 TS, cho hay thêm: “Những chuyến biển gần đây giá cá ngừ câu vàng chỉ ở mức 130.000đ/kg, cá ngừ đại dương câu tay chỉ từ 84.000đ-85.000đ/kg. Nếu trúng biển, mỗi chuyến một tàu đánh bắt được 40-50 con cá thì mỗi bạn được chia vài ba triệu đồng. Nếu đánh bắt được ít hơn thì cả chủ tàu lẫn những ngư dân đi bạn đành chấp nhận không có thu nhập”.
Lão ngư Nguyễn Văn An tính rằng, mỗi chuyến tốn trung bình 110 triệu đ. Chuyến biển trước, tàu cá BĐ 96776 TS đánh bắt được 29 con, cá loại to từ 45-50kg/con, về bờ cân được 1,5 tấn. Chiếc kia (BĐ 95648 TS) đánh bắt được 32 con, về cân được 2,2 tấn.
Với giá cá chỉ từ 84.000đ-86.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân đi bạn còn được chia một vài triệu đồng. Chuyến này dù tàu chưa cập bờ những thông tin từ 2 chiếc tàu đưa về cho biết, tình cảnh sẽ còn thảm hại hơn: “2 chiếc tàu của gia đình tui ra khơi đã 20 ngày, thế nhưng do gió Nam mạnh và đi trúng vùng biển không có cá nên mỗi chiếc tàu chỉ mới đánh bắt được có 5 con cá ngừ đại dương nho nhỏ. Bây giờ đã là mùng 4 tháng 6 âm lịch, chỉ còn 10 ngày nữa là đến mùa trăng, tàu phải cập bờ, chuyến này lỗ là cái chắc”.
Giá cá thấp, đánh bắt thất bát, nỗi khổ dồn nặng lên vai những chủ tàu. Bởi, muốn ngư dân tiếp tục bám biển trong bối cảnh vươn khơi không có thu nhập, các chủ tàu phải “gồng mình” lấy tiền nhà cho ngư dân ứng trước để chi phí cho gia đình, những chuyến biển sau nếu đánh bắt bội thu, bạn được chi phần cao thì trừ nợ dần.
Chủ tập đoàn tàu cá 16 chiếc ở xã Tam Quan Bắc, ngư dân Bùi Thanh Ninh, tâm sự: “Đến nay tui đã gop góp tiền nhà cho ngư dân ứng trước hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đó 16 chiếc tàu do tui quản lý vẫn liên tục bám biển. Đội tàu của tui chia thành 4 tổ, mỗi tổ 4 chiếc.
Sau 5-6 ngày, cả tổ dồn cá lại cho 1 chiếc đưa vào bờ bán. Nhờ đó đội tàu của tui thường xuyên có 10 chiếc bám biển, cả mùa trăng vẫn đánh. Bây giờ, tụi tui khẳng định ra khơi không chỉ để làm ăn mà còn là để bảo vệ vùng biển quê hương. Nếu bây giờ vì làm ăn không có lãi, cho tàu neo bờ thì biển trống. Với suy nghĩ này nên tui động viên vợ con dồn mọi nỗ lực ứng trước tiền cho ngư dân để 16 chiếc tàu liên tục bám biển”.