Từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài đã làm giảm năng suất thủy sản gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Hiện tượng thiếu oxy trong nước làm cho cá bị sốc, giảm sức đề kháng của cá khiến dịch bệnh phát triển nhanh.
Một số vùng NTTS dùng nhiều loại thức ăn không bảo đảm, cá không sử dụng hết đã gây ô nhiễm môi trường nước. Các hộ kết hợp mô hình chăn nuôi VAC đã tận dụng nguồn phụ phẩm làm thức ăn cho cá như phân vịt, bò, gà khiến cho nguồn nước càng ô nhiễm, bởi đây là những loại thức ăn tiêu chậm, không bảo đảm.
Đặc biệt, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân cũng như quản lý, chăm sóc thủy sản còn nhiều hạn chế, thậm chí các hộ nuôi còn không có thói quen trong công tác phòng bệnh định kỳ hoặc có chăm sóc nhưng thực hiện không đúng theo quy trình kỹ thuật nên khi cá bị bệnh thì lúng túng xử lý.
Ngoài ra, do ao nuôi cá vẫn nằm chung với khu dân cư, nước thải sinh hoạt của các hộ dân ở xung quanh đều thải trực tiếp ra ao khiến môi trường nước ô nhiễm nặng. Mặc dù, sau mỗi vụ thu hoạch cá, người nuôi đều tổng vệ sinh, rắc vôi bột và phơi khô ao nhưng đến vụ nuôi mới, nguồn nước vẫn bị ô nhiễm khiến năng suất cá giảm 10 - 20% so với các năm trước.
Các hộ phải thường xuyên kiểm tra cá, nhất là vào ban đêm, khi thời tiết thay đổi. Nếu phát hiện cá nổi đầu, cần sử dụng các trang thiết bị như quạt nước, sục khí, bơm nước để tăng cường oxy hòa tan, đảo nước để hạn chế cá chết. Sử dụng các loại chế phẩm tăng cường oxy cho cá như Yuca SOS, Pond oxy... Vớt bỏ các loại thức ăn thừa, đặc biệt là cỏ, rơm; không dùng phân gia súc, gia cầm đổ xuống ao.
Cần theo dõi, ngừng ngay việc cho ăn khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu, song phải bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học như EMC, Biofloc, Biowater để phân hủy mùn bã hữu cơ tăng cường oxy, loại bỏ khí độc như H2S, NH3, ổn định độ PH cho ao. Thay nước ao để nhằm giảm ô nhiễm môi trường.