Hàng ngàn con bò được mua bảo hiểm, không may bị dịch bệnh chết, chủ nuôi được bồi thường, có tiền để tái đàn.
Điện Quang thuộc vùng Gò Nổi bên sông Thu Bồn, bốn phía nước bao quanh. Từ năm 2009, hàng chục hộ dân đầu tư nuôi bò bán chăn thả với số lượng lớn. Nhà nào cũng nuôi bò, hộ ít nhất từ 4 - 5 con. Toàn xã có hơn 2.900 con bò. Một số hộ thuê đất ven sông xây trang trại nuôi quy mô lớn.
Ông Nguyễn Tám ở xã Điện Quang nuôi 9 con bò, hạch toán: "Mua 1 con bò khoảng 10 triệu đồng nuôi vỗ béo sau 3 tháng, trừ chi phí sẽ cho thu nhập 1 - 1,5 triệu đồng. Còn bò cái sinh sản mua khoảng 15 - 20 triệu đồng/con, bình quân 1 năm bò mẹ sinh 1 con bê. Sau đó chăm sóc bê thành bò thương phẩm bán có lãi 10 - 15 triệu đồng".
Trước những hiệu quả đem lại từ nuôi bò, anh Trần Kim Giá ở cùng xã đã thuê đất xây dựng trang trại bên sông Thu Bồn. Hiện trại bò của anh có gần 40 con lai sind, giá trị tài sản gần 1 tỷ đồng.
Quảng Nam hiện có khoảng 143.000 con bò, trong đó huyện Điện Bàn 17.000 con. Huyện đang quy hoạch lại chăn nuôi, trong đó khuyến khích nuôi bò, tập trung phát triển mạnh nuôi bò ở một số xã ven sông Thu Bồn, Bình Phước, sông Yên. |
Bò của anh Giá được nuôi theo phương thức bán chăn thả, lúc nào có thời gian thì thả ở các bãi bồi ven sông, lúc thì nhốt trong chuồng và cắt cỏ về cho chúng ăn. Trang trại cung cấp ra thị trường một số lượng lớn bò giống.
“Sau hơn 4 năm làm trang trại, tôi thấy nuôi bò có hiệu quả rất nhiều. Trước đây tôi nuôi heo, vịt… nhưng lãi thấp, từ ngày chuyển qua nuôi bò thì thu nhập rất cao. Mỗi năm lãi vài trăm triệu đồng”, anh Giá chia sẻ.
Hiện xã Điện Quang đã chuyển đổi 100 ha trồng hoa màu, lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm thức ăn cho bò.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm HTXNN Điện Quang cho hay, từ năm 2009 HTX tiến hành bán bảo hiểm với mức tiền 450.000 đ/con bò thịt/năm; 350.000 đ/bò nái/năm. Những hộ tham gia mua bảo hiểm thì HTX có trách nhiệm triển khai dịch vụ thú y "trọn gói". Hằng năm HTX thực hiện miễn phí bơm thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và tổ chức tiêm phòng định kỳ 2 lần.
Đối với những con bò bị bệnh, HTX chi trả 80%; người dân chịu 20% chi phí điều trị. Nếu không lành bệnh phải tiêu hủy thì HTX hỗ trợ 80% giá trị con bò để bà con có vốn tái đàn.
“Từ ngày làm dịch vụ đến nay, HTX xã đã chi trả 14 con bò bị chết, việc thực hiện bán bảo hiểm nhiều lúc lỗ nặng nhưng chúng tôi phải đồng hành cùng bà con. Bởi nuôi bò khâu phòng bệnh rất quan trọng, mình làm tốt khâu này thì đảm bảo được sức khỏe cho con bò và giảm được bệnh tật để bà con yên tâm phát triển đàn bò”, ông Thành chia sẻ.
Nói về việc mua bảo hiểm, ông Nguyễn Tám cho rằng, có dịch vụ của HTX thì người nuôi rất yên tâm, không còn lo lắng nhiều khi bò bị bệnh, không may bò chết thì có đồng vốn tái đàn.